Nông nghiệp Việt Nam cần có “nhạc trưởng” để hội nhập

16:00' - 04/11/2015
BNEWS Tại Diễn đàn Chính sách nông nghiệp thường niên 2015 do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Hà Nội ngày 4/11, nhiều chuyên gia cho rằng nông nghiệp Việt Nam cần có “nhạc trưởng” để hội nhập.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Nhận định tại Diễn đàn Chính sách nông nghiệp thường niên 2015 với chủ đề “Nền nông nghiệp và người nông dân Việt Nam đối diện thách thức hội nhập” do Liên minh nông nghiệp đã phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 4/11, tại Hà Nội nhiều chuyên gia cho rằng nông nghiệp Việt Nam cần có “nhạc trưởng” để hội nhập. 

Tại diễn đàn, PGS.TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II tại Tp. Hồ Chí Minh cho hay, cần hình thành và phát triển hệ thống các doanh nghiệp chế biến-tiêu thụ nông sản và cung ứng nguồn lực đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao, đóng vai trò “nhạc trưởng” của từng mặt hàng, biến các trang trại trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị. 

Để làm được điều này, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp về các vấn đề thuế, phí, vốn vay, nghiên cứu công nghệ cao… để doanh nghiệp áp dụng vào sản xuất… 

Thời gian qua, những nông sản chủ lực, có khối lượng và giá trị cao ở từng vùng nông nghiệp là kết quả của quá trình sản xuất tự phát. Dù khối lượng lúa gạo được sản xuất và xuất khẩu ngày càng tăng, nhưng tỷ lệ nghịch với thu nhập của người nông dân. Người dân Philippines mua gạo Việt Nam với giá rẻ, chỉ bằng 2/3 giá gạo tiêu thụ trong nước. 

Nhiều ý kiến tại diễn đàn cũng cho rằng, người nông dân còn sản xuất nhỏ lẻ, áp dụng công nghệ cũ, doanh nghiệp chế biến nông sản bằng công nghệ lạc hậu và kinh doanh theo kiểu “có gì mua nấy”. Vì thế nông sản Việt Nam nhiều năm qua không thể có thương hiệu. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp cũng được hình thành nhưng chỉ để cho có, chưa vì nông dân và do nông dân. 

Vì lẽ đó, để nông nghiệp tiến tới hội nhập, PGS.TS Vũ Trọng Khải cho rằng, cần xây dựng chiến lược sản phẩm nông nghiệp quốc gia ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái, theo đó quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho mục tiêu chiến lược sản phẩm. 

Cũng theo PGS.TS Chu Tiến Quang, Hội đồng Khoa học Công nghệ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để giảm thiểu áp lực của việc hội nhập, cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch đất cho sản xuất lúa gạo, cây trồng và thủy sản theo nhu cầu của thị trường, áp dụng sản xuất theo vùng. Đồng thời, kiểm soát chất lượng, giá vật tư nông nghệp để truy suất nguồn gốc, bảo hiểm nông nghiệp, giữ vững thị trường trong nước; lấy chất lượng và nguồn gốc làm cơ sở tiến tới hội nhập và xuất khẩu ra nước ngoài. 

Ông Phạm Quang Tú, trưởng nhóm Chương trình hỗ trợ Liên minh – Tổ chức Oxfam cho rằng, tham gia hội nhập, các sản phẩm nông nghiệp có thể được xuất khẩu sang các quốc gia với mức thuế thấp, tạo cơ hội đẩy nhanh tốc độ sản xuất, tăng lợi ích cho nền nông nghiệp và người nông dân. 

Do vậy, một trong những yếu tố cần thiết được đặt lên hàng đầu là cần có hệ thống liên kết nông dân và các doanh nghiệp, tổ chức nông dân đủ mạnh; xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa người nông dân với doanh nghiệp phải được tăng cường hơn. Hiện ở Việt Nam có rất ít ví dụ về thành công của loại hình hợp tác này, ông Tú nói. 

Báo cáo của Oxfam cho hay, nông dân mỗi ngày đang phải mua vật tư đầu vào cho sản xuất như phân bón, thức ăn, thuốc trừ sâu với giá tăng cao. Đồng thời đối mặt với thị trường ngày càng cạnh tranh và bị ép giá bán xuống thấp khiến thu nhập, lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp của người dân rất thấp. Điều này đặt ra không ít thách thức, trăn trở./. 

Đức Dũng/BNEWS-TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục