Nước Anh lo ngại làn sóng M&A của các doanh nghiệp nước ngoài

07:08' - 21/02/2017
BNEWS Lãnh đạo nước Anh tỏ ra lo ngại về làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài nhắm mua hàng loạt các công ty và doanh nghiệp tốt tại "xứ sở sương mù".
Nước Anh lo ngại làn sóng M&A của các doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: GuruFocus

Mặc dầu Unilever, công ty chuyên sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới của Anh-Hà Lan, đã lên tiếng từ chối lời đề nghị mua trị giá 143 tỷ USD từ phía Kraft Heinz, nhưng hiện đang dấy lên mối lo ngại trong giới chức lãnh đạo nước Anh về làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài nhắm đến mua hàng loạt các công ty và doanh nghiệp tốt tại "xứ sở sương mù", điều ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách công nghiệp của Chính phủ Vương quốc Anh.

Unilver, với những thương hiệu nối tiếng quen thuộc với người tiêu dùng trên toàn thế giới như dầu gội sữa tắm Dove hay kem Ben & Jerry, cho biết giá Kraft Heinz đề nghị mua mỗi cổ phiếu của Unilever là 50 USD (cả tiền mặt và cổ phiếu), cao hơn 18% so với mức giá đóng cửa gần đây nhất nhưng vẫn là mức giá khá thấp.

Tờ Financial Times mới đây cho biết Unilever đã từ chối lời đề nghị vì cho rằng "đây là mức giá không tương xứng cả về mặt tài chính và chiến lược đối với các cổ đông của họ. Unilever không thấy có cơ sở nào để thảo luận thêm”. Tuy nhiên Kraft Heinz - tập đoàn thực phẩm và đồ uống được hậu thuẫn bởi quỹ đầu tư 3G (Brazil) và Berkshire Hathaway (công ty của tỷ phú Mỹ Warren Buffett) - được cho là sẽ tiếp tục theo đuổi thương vụ M&A này.

Lời đề nghị của Kraft Heinz được đưa ra ở thời điểm nhạy cảm đối với nước Anh, trong bối cảnh các chính trị gia và doanh nghiệp lớn cố gắng vượt qua những nỗi bất ổn sau sự kiện Brexit. Việc nước Anh rời EU đã khiến đồng bảng giảm mạnh giá trị, các tài sản của Vương quốc Anh rẻ hơn đáng kể đối với những công ty nước ngoài đang dồi dào tiền mặt.

Tuy nhiên theo Financial Times, sự khác biệt về văn hóa quản trị công ty giữa Unilever và Kraft Heinz chính là rào cản lớn nhất trong thương vụ M&A này. Theo quan điểm của Tổng giám đốc điều hành Unilever Paul Polman thì các cổ đông của Unilever nên hiểu họ có thể hy sinh lợi nhuận nào đó trong ngắn hạn để phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững của công ty.

Trong khi đó, đặc điểm nổi bật của những người điều hành Kraft Heinz là làm sao tăng lợi nhuận cao nhất trong thời gian ngắn nhất. Một trong cách thức quản trị nổi bật của công ty này là luôn coi việc "cắt giảm các chi phí sản xuất giống như việc mọi người luôn cần phải cắt móng tay". Chiến lược của quỹ đầu tư 3G đó là mua lại các công ty, sau đó cắt giảm chi phí sản xuất để tăng lợi nhuận rồi tiếp tục vòng M&A mới. Heinz đã đạt mức tăng lợi nhuận 10% chỉ trong vòng 2 năm sau thương vụ 3G mua bán sáp nhập với Kraft Foods hồi năm 2015 mà bí quyết thành công của doanh nghiệp này là cắt giảm tối đa chi phí sản xuất.

Tổng Giám đốc điều hành hiện nay của Unilever Polman được cho là người nói lên tiếng nói của những nhà tư bản có trách nhiệm, luôn hoan nghênh các nhà đầu tư dài hạn và đề cao việc cần thiết cân bằng giữa bền vững và lợi nhuận một cách lâu dài.

Unilever có 13 nhãn hàng có doanh thu hàng năm trị giá hơn 1 tỷ euro như xà phòng Dove, kem Magnum, dầu gội đầu Sunsilk và trà Lipton. Những nhãn hàng mà Kraft Heinz thu được lợi nhuận cao lên tới 30%, gấp 2 lần so với mức lợi nhuận 15% mà Unilever có được. Do vậy, Kraft Heinz sẽ hoàn toàn có thể có cơ hội để cắt giảm chi phí sản xuất các nhãn hàng của Unilever nếu như thương vụ M&A của họ thành công.

Hiện nay Unilever có thể sẽ bán bớt mảng kinh doanh thực phẩm để tập trung phát triển mảng gia dụng và chăm sóc cá nhân, gồm sản xuất hàng tiêu dùng, sản phẩm giặt tẩy, mỹ phẩm. Việc mua Unilever sẽ giúp Kraft Heinz đặt chân vào các thị trường mới nổi. Hiện nay 75% doanh thu của Kraft Heinz đến từ thị trường trong nước của họ, trong lúc 58% doanh thu của Unilever đến từ các thị trường mới nổi.

Trong khi Kraft Heinz đang sôi sùng sục tìm cách mua Unilever, nhưng theo các nhà phân tích thì thương vụ mua bán này không hề dễ dàng vì Unilever có cấu trúc cổ đông khá phức tạp với cổ phiếu niêm yết tại nước Anh và Hà Lan, và có một số loại cổ phiểu của công ty cũng được giao dịch tại sàn chứng khoán ở New York. Chẳng hạn như quỹ Leverhulme Trust hiện nắm giữ một số lượng đáng kể cổ phiếu của Unilever hôm 17/2 đã từ chối thương thảo về đề nghị của Kraft Heinz.

Theo các nhà phân tích của RBC Capital Markets thì Kraft có nhiều khả năng cần phải tăng mức giá đề nghị mua lên đáng kể nếu họ muốn thay đổi kết quả hiện nay. Với quan điểm chú trọng vào tính bền vững có thể sẽ khiến Unilever không muốn bản thảo thêm gì nữa với Kraft. Unilever là công ty có bề dày lịch sử về các hoạt động xã hội kể từ khi được thành lập đến nay. Ý tướng khởi đầu của nhà sản xuất xà phòng Sunlight khi Unilever thành lập là đề giúp cải thiện vệ sinh, y tế cho xã hội Anh thời đó.

Dưới sự lãnh đạo của ông Paul Polman, Unilever đã được Oxfam bình chọn năm 2015 là công ty thực phẩm đứng đầu thế giới về các chính sách liên quan đến sử dụng đất đai, nước, quyền của phụ nữ trong hoạt động của công ty, đứng trên các công ty thực phẩm hàng đầu thế giới khác như Nestlé, Coca-Cola, Kellogg và Mars.

Nước Anh lo ngại tình trạng mua bán các công ty thương hiệu lớn hậu Brexit

Giới chính trị gia nước Anh đã lên tiếng cảnh báo để xuất M&A của Kraft Heinz đối với Unilever là nguy cơ đất nước sẽ bị mất đi một trong những công ty nối tiếng nhất của mình. Việc các công ty nước ngoài đổ xô tìm cách thôn tính các công ty và doanh nghiệp tốt của nước Anh trong thời điểm này là do đồng bảng yếu, khiến giá trị tài sản các công ty của nước Anh cũng bị sụt giảm nên việc mua bán sẽ có lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Kraft Heinz vừa rút lại kế hoạch mua Unilever. Ảnh: Pittsburgh Post-Gazette

Tim Farron, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do của nước Anh, cho rằng thương vụ này sẽ không có cơ hội diễn ra nếu không có chuyện nước Anh rời khỏi EU, và cho rằng nhiều công ty có thương hiệu tốt có thể sẽ bị bán đi trong bối cảnh này. Ông Farron cũng cảnh báo rằng các nhà đầu tư nước ngoài "sẽ không chú trọng đến lợi ích dài hạn của nước Anh" và rằng Unilever đang gặp nguy hiểm khi bị định giá tài sản thấp hơn giá trị thực của công ty.

Rebecca Long-Bailey, người phụ trách các vấn đề liên quan đến Bộ Kinh doanh của Công đảng, cho rằng Unilever chỉ là một trong số nhiều công ty của nước Anh lâm vào tình trạng bị chào mua với giá thấp do đồng bảng mất giá kể từ khi diễn ra sự kiện Brexit hồi tháng 6/2016. Bà Long-Bailey đề xuất Chính phủ nước Anh cần phải gấp rút đưa ra được một chiến lược công nghiệp đúng đắn trong bối cảnh hiện nay. Trong khi đó, người phát ngôn của Chính phủ nước nAnh cho biết việc đấu giá mua Unilever là một thương vụ mua bán quan trọng vì đây là một công ty lớn và số người làm cho Uniliever tại Anh là đông nên Chính phủ nước Anh sẽ theo dõi sát sao vụ này.

Kraft Heinz đề xuất mua Unilever được tính toán dựa trên yếu tố đồng bảng Anh bị giảm giá và những mối quan hệ thương mại trong tương lai sau sự kiện Brexit. Hồi tháng 7/2016, SoftBank, một công ty của Nhật Bản đã trả 24 tỷ bảng để mua công ty công nghệ hàng đầu của nước Anh là Arm Holdings. Khi đó người sáng lập Softbank Masayoshi Son đã nói ông ta chỉ là một trong những người đầu tiên đến mua những công ty lớn của nước Anh sau sự kiện Brexit. Số lượng các công ty nước ngoài đến mua các công ty hay doanh nghiệp của nước Anh tăng lên sau sự kiện Brexit.

Unilever có 7500 nhân viên tại nước Anh, có trụ sở chính đặt tại London và ba trung tâm nghiên cứu đặt tại Port Sunlight, Colworth và Leeds. Việc mua lại Unilever có thể dẫn đến mất việc làm và mất các cơ sở sản xuất của Unilever tại Anh - đó thực sự là điều quan ngại lớn đối với nước Anh.

Cựu Bộ trưởng Bộ Kinh doanh Vince Cable lên tiếng cho rằng việc Heinz Kraft muốn mua Unilever thực sự là "hồi chuông báo động" đối với Chính phủ nước Anh, và điều này cho thấy chiến lược công nghiệp mới mà Chính phủ Vương quốc Anh mới đưa ra hồi tháng Một đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ông Cable cho rằng có một số cơ chế để Chính phủ nước Anh dùng để ngăn chặn bất cứ thỏa thuận mua bán công ty và doanh nghiệp nào mà ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, và Chính phủ nước Anh cần phải làm điều gì đó thay vì chỉ ngồi khoanh tay lo lắng.

>>>Tập đoàn Kraft Heinz rút lại kế hoạch mua Unilever

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục