Nước Anh trước giờ phút quyết định

19:48' - 22/06/2016
BNEWS Cuộc "hôn nhân" kéo dài hơn 40 năm qua giữa Anh và Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) trước kia và nay là EU vẫn là một ẩn số khó đoán định.

Một ngày trước cuộc trưng cầu dân ý mang tính quyết định đối với tương lai của Vương quốc Anh trong Liên minh châu Âu (EU), những lý lẽ để thuyết phục cử tri đều đã được cả hai phe ủng hộ Anh rời khỏi EU (còn gọi là “Brexit”) lẫn phe phản đối đưa ra.

Nhưng cho đến giờ phút này, cuộc "hôn nhân" kéo dài hơn 40 năm qua giữa Anh và Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) trước kia và nay là EU vẫn là một ẩn số khó đoán định.

* Quan hệ nhiều thăng trầm 

EU được thành lập theo Hiệp ước Maastricht vào ngày 1-11-1993, dựa trên tiền thân của EEC (ra đời năm 1952) và hiện đã phát triển thành cộng đồng gồm 500 triệu dân với 28 quốc gia thành viên. Mãi tới năm 1973, Anh mới gia nhập liên minh và chỉ 2 năm sau (vào năm 1975), một cuộc trưng cầu dân ý về việc rút khỏi EEC đã được tổ chức ở Anh và kết quả là 67,2% người dân bỏ phiếu không ủng hộ việc rút lui này.

Thế nhưng, sau hơn bốn thập niên gắn bó với EU, một bộ phận người dân Anh lại thấy rằng mối quan hệ giữa nước Anh và EU không mang lại lợi ích cho quốc gia của họ, thậm chí còn có nguy cơ chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính và vấn đề người nhập cư của khối.

Có thể thấy rõ tâm lý hoài nghi tồn tại ở Anh ngay từ khi nước này tham gia “ngôi nhà chung châu Âu”. Hầu hết 28 nước thành viên EU gia nhập Liên minh này vì những lý do rõ ràng và lâu dài. Đối với Pháp và Đức, hợp tác với EU là biện pháp để chữa lành những vết thương chiến tranh. Nước Bỉ nhỏ bé thấy đây là cơ hội để nâng được tiếng nói và tính hiệu quả của hoạt động ngoại giao. Các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Hà Lan nhìn thấy những cơ hội thương mại lớn. Còn đối với những nước mới gia nhập gần đây ở Đông Âu, bao gồm Ba Lan, Hungary và Estonia,... EU được coi là sự cứu cánh về kinh tế và bảo đảm an ninh cho những nước này. Nước Anh thì ngược lại, gia nhập liên minh này vào năm 1973 một cách do dự, không hề nhiệt tình và trong một thời khắc của sự lo lắng kinh tế thoáng qua.

Đây là nền tảng cho chủ nghĩa hoài nghi EU đang lan tràn khắp đảng Bảo thủ và một bộ phận lớn người dân Anh.

Nước Anh chưa bao giờ thực sự muốn trở thành một thành viên đúng nghĩa của EU ngay từ những ngày đầu tiên, thể hiện rõ qua việc đến nay, Anh vẫn đứng ngoài Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Khu vực tự do đi lại (Shenghen). Trong chừng mực mà đất nước này muốn, thì động lực gia nhập EU là nhằm tiếp cận những lợi ích thương mại tự do tại khu vực.

Tuy nhiên, Anh chưa bao giờ có ấn tượng tốt với các chính sách trợ cấp được thiết kế cho nông dân Pháp và các quyền lợi đặc biệt khác. Anh là quốc gia đóng góp lớn cho ngân sách EU kể từ khi nước này trở thành thành viên của khối (riêng năm 2015 đóng góp 13 tỷ bảng) nhưng khoản ngân sách EU "rót lại" cho nước này lại không nhiều (chỉ khoảng 4,5 tỷ bảng trong năm 2015).

Sự mở rộng dần quyền lực và các quy định mang tính can thiệp của EU vào hệ thống tư pháp, các nguyên tắc của thị trường lao động và nhiều lĩnh vực khác đã gây ra những bất bình lớn trong người dân Anh và sự thất vọng càng lớn hơn với những rắc rối đang diễn ra trong Eurozone. Đó còn chưa kể đến sự sụt giảm đáng kể về vị thế và tiếng nói của người Anh trong khối này. Vì thế, Anh càng có lý do để tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai vào ngày 23-6-2016.

* Số người đăng ký bỏ phiếu đạt mức kỷ lục

Ngày 21/6, Ủy ban bầu cử giám sát cuộc trưng cầu ý dân tại Anh cho biết, gần 46,5 triệu cử tri đã đăng ký tham gia bỏ phiếu, trong đó có khoảng 24.117 người đăng ký tại khu vực Gibraltar. Đây là mức kỷ lục về số người tham gia một cuộc bỏ phiếu ở nước Anh. Kỷ lục trước đó về số cử tri đăng ký tham gia bỏ phiếu ở Anh được ghi nhận tại cuộc tổng tuyển cử năm 2015 với 46.354.197 người.

Không chỉ công dân Anh mà công dân Ireland và công dân khối thịnh vượng chung sinh sống tại Anh cũng được tham gia bỏ phiếu. Hạn chót đăng ký tham gia bỏ phiếu đã được ấn định là ngày 7-6 nhưng sau đó đã được gia hạn thêm 2 ngày vì lượng đăng ký giờ chót quá cao khiến mạng đăng ký trực tuyến bị sập trong ngày cuối cùng.

Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất về cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, có sự khác biệt quan điểm rất rõ ràng giữa các thế hệ. Giới trẻ có xu hướng ủng hộ "ở lại", trong khi những cử tri lớn tuổi ủng hộ "ra đi" (Brexit). Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy 69% những người được hỏi dưới 35 tuổi muốn Anh ở lại EU, trong khi 46% số người được hỏi trên 55 tuổi ủng hộ kịch bản Brexit.

Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ từ trước tới nay, các cử tri trẻ tuổi thường không quan tâm nhiều tới việc đi bỏ phiếu. Đây sẽ là một thách thức đối với phe ủng hộ ở lại EU. Cũng vì lẽ đó, trong nỗ lực cuối cùng kêu gọi cử tri Anh bỏ phiếu ở lại EU ngày 21-6, Thủ tướng Anh David Cameron đã đặc biệt hướng tới những cử tri lớn tuổi: “Hãy đưa ra quyết định vì tương lai của chính mình và tương lai của thế hệ mai sau, hãy nghĩ tới niềm hy vọng và ước mơ của các thế hệ con cháu”.

Liệu đa số cử tri Anh sẽ đánh dấu chữ thập vào dòng "Vẫn là một thành viên EU" hay dòng "Rời khỏi EU"? Câu trả lời chỉ có thể có được sau 21h ngày 23-6 (giờ Anh), khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa và công tác kiểm phiếu bắt đầu. Tuy nhiên, bất luận kết quả ra sao thì câu chuyện Brexit có lẽ vẫn chưa thể chấm dứt thực sự. Nếu nước Anh ở lại, những chia rẽ trong chính giới Anh về vấn đề này có thể khiến hàng loạt chính trị gia vốn ủng hộ Brexit phải ra đi, trong khi tâm lý bất bình của một bộ phận không nhỏ người dân Anh đối với EU có thể còn gia tăng hơn nữa...

Còn nếu nước Anh rời khỏi "Ngôi nhà chung", cho tới nay mọi kịch bản "hậu Brexit" đều chưa thể lường hết được. Và những bất đồng trong nội bộ nước Anh liên quan tới EU khó có thể dàn xếp trong “một sớm, một chiều”.

* Những mốc chính trong quan hệ Anh-EU:

- Năm 1963 và 1967: Anh đệ đơn xin gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) - tiền thân của EU hiện nay - hai lần liên tiếp, nhưng Tổng thống Pháp Charles de Gaulle đã phủ quyết cả 2 lần với lý do Anh quá thân Mỹ.

- Năm 1973: Anh chính thức gia nhập EEC.

- Năm 1975: Anh tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về việc rút khỏi EEC, nhưng 67,2% người dân đã bỏ phiếu không ủng hộ việc rút khỏi EEC.

- Năm 1984: Thủ tướng Anh Margaret Thatcher yêu cầu giảm mức đóng góp của London trong EU.

- Năm 1990: Anh gia nhập Hệ thống tiền tệ châu Âu.

- Năm 1992: Anh rút khỏi Hệ thống tiền tệ châu Âu.

- Năm 1995: Anh từ chối tham gia Hiệp ước Schengen và sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Euro).

- Năm 2011: Anh từ chối ký Hiệp ước của EU về tài khóa và ngân sách.

- Ngày 23-6-2016: Anh trưng cầu dân ý về quyết định đi hay ở lại EU./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục