Nước mắt ở bản Mông - nơi lũ dữ đi qua

09:26' - 05/08/2017
BNEWS Nơi bản Mông nghèo, cơn lũ dữ đã “lạnh lùng” gằn thêm những tang thương vào những cuộc đời quanh năm lam lũ.

Thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái) nhỏ bé nằm chênh vênh giữa đỉnh trời Tây Bắc tan hoang sau cơn lũ dữ, khắp nơi là những đống đổ nát. Đồng bào Mông vốn kiên cường, chịu đựng gian khổ là vậy nhưng trước những tổn thất và đau thương quá lớn, nước mắt đã không ngừng rơi…

Nước mắt ở bản Mông 

Hướng lũ đổ từ xã Kim Nọi về Thị trấn Mù Cang Chải. Ảnh: Đinh Hữu Dư - TTXVN

Tại bản Háng Gàng, xã Lao Chải (huyện Mù Cang Chải), một người đã chết do lũ cuốn. Vết thương cơn lũ dữ để lại sẽ khó lành. Nơi bản Mông nghèo, cơn lũ dữ đã “lạnh lùng” gằn thêm những tang thương vào những cuộc đời quanh năm lam lũ. Rồi đây, khi cơn lũ đi qua, nỗi kinh hoàng nó để lại sẽ còn tiếp tục ám ảnh, những hậu quả của nó còn đeo đẳng nhiều năm nữa đối với cuộc sống vốn đã quá khó nhọc của bà con.

Hai cây cầu của xã Lao Chải đã bị nước lũ cuốn trôi khiến nhiều khu vực bị cô lập. Ông Trần Minh Vấn - Bí thư Đảng uỷ xã Lao Chải cho biết, bản Háng Gàng là nơi chịu nhiều thiệt hại nhất khi cơn lũ quét qua Lao Chải. Đã có cả mất mát về người. Hiện nay, Háng Gàng vẫn đang bị chia cắt bởi các phương tiện giao thông vẫn chưa thể tiếp cận. Từ trung tâm xã, muốn vào với Háng Gàng trong thời điểm này, phải đi bộ gần 20 cây số.

Bản Kháo Giống, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải nằm chon von trên tít những đỉnh núi cao, là nơi giáp ranh với xã tận cùng của mảnh đất được mệnh danh cổng trời Tây Bắc. Những ngày này, ở Kháo Giống, nỗi đau chồng lên nỗi đau. Tít trên những chênh vênh sườn núi, bản của người Mông lác đác vài nóc nhà. Không khí tang thương bao trùm, vẩn quanh mùi gỗ trầm như những cuộn mây trắng bám ven lưng chừng núi.

Nhà anh Giàng A Mùa, tiếng khóc rấm rứt không nguôi suốt những ngày qua. Từ những lưng núi xa, bà con làng xóm rục rịch kéo đến chia buồn cùng nỗi mất mát quá lớn của gia đình anh. Tiếng khóc của những người phụ nữ Mông được cộng hưởng, vang động cả những khoảng rừng nham nhở những vết sạt, nơi cơn lũ và hiểm hoạ vẫn còn đang rình rập. Chị Mùa Thị Sua đã khóc suốt hai ngày ròng, không ăn, không uống.

Chị lả đi trong nỗi đau mất hai đứa con do chính mình rứt ruột đẻ ra, do lũ. Một đứa đã được tìm thấy, bị cuốn trôi cách nhà hơn 60 km; đứa kia hiện vẫn bặt vô âm tín….Ở bản Mông xa xôi này, các gia đình cách nhau cả cây số. Những người phụ nữ Mông vượt núi đến chia sẻ nỗi mất mát quá đỗi với chị Sua. Họ chỉ còn ôm lấy nhau và khóc, nước mắt thấm trong những cơn mưa rừng vẫn chưa dứt.

Là trụ cột của gia đình, anh Giàng A Mùa cố tỏ ra cứng rắn để chèo chống gia đình sau nỗi đau thương quá lớn - hai đứa con, một đứa cháu, một đứa em bị lũ cuốn trôi. Đối với anh Mùa, đó là tận cùng của nỗi mất mát. Tang thương bao trùm khắp ngôi nhà người Mông nghèo chênh vênh giữa trùng mây và khói bếp.

Chị Sua vợ anh Mùa mới ngoài 30 tuổi phải trải qua nỗi đau mất đi hai đứa con không còn biết làm gì ngoài khóc. Tấm di ảnh, tờ giấy khen của hai đứa con nhỏ cầm trên tay, càng nhìn, lòng chị càng thêm quặn thắt. Tiếng khóc theo những cơn mưa rừng rấm rứt, trở thành nỗi ám ảnh và kéo dài những tang thương nơi bản Mông nghèo.

Xã Kim Nọi có tất cả 6 người bị cơn lũ dữ lịch sử cuốn trôi. 2 người đã thiệt mạng, 4 người mất tích, hi vọng sự sống ngày một trở nên mong manh. Ông Hờ A Hừ - Phó Bí thư Đảng uỷ xã Kim Nọi cho biết, các cụ già trong bản nói chưa bao giờ trong suốt hơn 100 năm qua ở Kim Nọi, lũ về dữ như vậy. Cũng chưa bao giờ, Kim Nọi chứng kiến nhiều nỗi đau, mất mát, nhiều nước mắt, do lũ lớn đến như vậy…

Đám tang bà Giàng Thị Che ở bản Dào Xa (xã Kim Nọi) chưa kết thúc, chính quyền xã Kim Nọi và thôn Khao Giống lại tất tả, đôn đáo lo cho đám ma con anh Mùa - vừa được tìm thấy, dưới chân đập thuỷ điện cách nhà hơn 60km. Nước mắt ở Kim Nọi có thể sẽ còn tiếp tục tăng lên, khi những đoàn tìm kiếm với hi vọng tìm thấy sự sống thần kỳ sau cơn lũ dữ vốn đã mong manh, nay theo thời gian càng trở nên vô vọng.

Những đêm trắng ở Mù Cang Chải

Trong ký ức của các cụ già tại địa phương, cơn lũ này là kinh hoàng nhất suốt 100 năm qua. Các số liệu đo đạc cũng chỉ ra rằng, nó là cơn lũ lịch sử trong hơn ba thập kỷ nay ở Mù Cang Chải. Chỉ trong tích tắc, tất cả vốn liếng, tài sản ít ỏi của bà con tích cóp từ nhiều năm qua đã trôi hết theo dòng nước lũ. Trắng tay, không nhà cửa, hàng chục hộ đồng bào người Mông đến giờ vẫn còn chưa thể tin trước những gì vừa mới diễn ra.

Công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục thiệt hại cơn lũ vẫn đang tiếp tục được thực hiện trong những ngày tới. Ảnh: Đinh Hữu Dư - TTXVN

Bốn người trong gia đình anh Mùa A Tông (Tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải) may mắn thoát cơn lũ dữ chỉ trong gang tấc. Nhưng tất cả tài sản cùng ngôi nhà gỗ mới dựng của gia đình anh Tông chỉ còn vẻn vẹn một bức tường xiêu vẹo, trơ trọi giữa bãi đổ nát. Gửi con cho nhà họ hàng, hai vợ chồng anh Tông buồn bã đi lang thang suốt đêm, cứ men theo bờ con suối ngay giữa thị trấn, mong cho đến sáng.

Cả đời anh Tông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, đã từng chứng kiến nhiều cơn lũ đi qua nhưng chưa bao giờ lũ dữ dằn, khủng khiếp như lần này. “Mất trắng. Nhà cửa, xe máy, máy lồng đất, trâu bò…, lũ cuốn đi hết cả rồi, chẳng còn gì cả. Gia đình thì tan tác mỗi người một nơi. Không biết đến bao giờ mới qua được những ngày khó khăn như này”, anh Tông buồn bã chia sẻ.

Vợ anh Tông - chị Giàng Thị Mủ ngân ngấn nước mắt. Chị Mủ không nói được tiếng Kinh. Anh Tông bảo, suốt từ đêm hôm xảy ra cơn lũ đến giờ chị Mủ chẳng buồn ăn gì. Tiếc cho công sức hai vợ chồng vất vả bao năm đã bị cuốn hết theo dòng nước lũ, bọn trẻ thì sắp vào năm học mới mà bây giờ đến cái nhà cũng không còn để về.

Anh Tông chia sẻ, mất hết nhưng gia đình mình còn may mắn hơn nhiều hộ khác ở đây khi tất cả các thành viên đều đã thoát được khỏi dòng lũ dữ. Hai người, trong đó có một trẻ em trong tổ dân cư đã bị nước lũ cuốn trôi, đến nay vẫn chưa có tin tức gì.

Tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải nơi cơn lũ kinh hoàng quét qua, là một trong những nơi bị thiệt hại nặng nề nhất. Hơn 10 nghìn mét khối đất đá đã đổ xuống, vùi lấp gần 2 km nền đường. Hàng chục ngôi nhà đã bị cuốn trôi theo lũ, nhiều người vẫn đang mất tích. Nỗi lo âu, thất thần vẫn chưa tan trên gương mặt những người dân nơi đây. Cả thị trấn vẫn còn bàng hoàng, thấp thỏm trắng đêm thu dọn những gì còn sót lại.

Bà Nguyễn Thị Luyến, Bí thư Chi bộ Tổ 8 - thị trấn Mù Cang Chải cho biết, hai đêm sau khi xảy ra cơn lũ dữ là hai đêm trắng. Cả thị trấn có 5 người mất tích thì chủ yếu là ở Tổ 8. Nhà anh Lê Doãn Dũng là trường hợp thương tâm nhất, vợ và hai con anh đều đã bị nước lũ cuốn trôi cùng toàn bộ ngôi nhà, nay vẫn chưa rõ sống chết ra sao.

Đêm xảy ra cơn lũ lịch sử kinh hoàng, cả thị trấn Mù Cang Chải đã không ngủ, trắng đêm tìm kiếm những người còn đang mất tích, phá đá, khơi luồng để bảo đảm an toàn cho các khu vực xung quanh nơi cơn lũ dữ vừa quét qua. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Các lực lượng đồng loạt, tích cực tham gia tìm kiếm, khắc phục nhanh nhất, sớm nhất những hậu quả cơn lũ đã để lại, sớm ổn định cuộc sống cho đồng bào.

Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, không chỉ các lực lượng chức năng của tỉnh Yên Bái mà Quân khu 2 cũng đã điều động lực lượng phối hợp với tỉnh Yên Bái tìm kiếm nạn nhân và khắc phục hậu quả cơn lũ. Điều kiện tìm kiếm hết sức khó khăn, nước từ đầu nguồn vẫn tiếp tục đổ về nhưng các lực lượng chức năng đang nỗ lực hết mình để tìm kiếm được các nạn nhân còn đang mất tích.

Xác định đây là một nhiệm vụ đặc biệt nên dù có phải làm cả ngày cả đêm, hơn 200 chiến sĩ Sư đoàn 316 – Quân khu 2 cũng quyết tâm cao độ cùng với các lực lượng và nhân dân địa phương sớm khắc phục thiệt hại, tìm kiếm được những người mất tích trong thời gian sớm nhất. Năm học mới sắp bắt đầu, tất cả các lực lượng đều đang nỗ lực hết sức, sẵn sàng những đêm trắng để Mù Cang Chải sớm vượt qua được những nỗi đau thương và tổn thất quá đỗi nặng nề, để lũ trẻ lại có thể tiếp tục đến trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục