Ô nhiễm môi trường - Biện pháp phục hồi và quản lý

12:02' - 08/03/2017
BNEWS Bên cạnh những thách thức do hậu quả ô nhiễm môi trường sau chiến tranh để lại, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức về môi trường.

Đó là chủ đề hội nghị khoa học quốc tế do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cùng Hội Gặp gỡ Việt Nam, UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức tại Trung tâm Khoa học giáo dục liên ngành (ICISE) thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, ngày 8/3. Đây là hoạt động nằm t rong chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 13 năm 2017.

Tham dự và chủ trì hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Hồng Lĩnh, Giáo sư Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng. Dự hội nghị có 170 nhà khoa học, quản lý, các sinh viên đến từ 19 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tại hội nghị, 150 bản báo cáo và tham luận về thực trạng môi trường, giải pháp và quản lý, sẽ được trình bày bởi các giáo sư, tiến sĩ thuộc Hội Hóa học và các trường Đại học Môi trường khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và các nước như Mỹ, Australia … Trong đó có 3 thuyết trình quan trọng của Tiến sĩ Li Sa Dipinto, Chuyên gia cao cấp Văn phòng về các vấn đề ứng phó, phục hồi môi trường NOAA (Mỹ) với tiêu đề "Đánh giá mức tác hại nguồn tài nguyên thiên nhiên và khả năng phục hồi của những vụ tràn dầu và tai nạn hóa chất"; thuyết trình của Giáo sư Bryan W. Brooks, Đại học Bay Lor – Texas (Mỹ) về đề tài " Phải chăng sự nở hoa tảo độc (HABS) đang ảnh hưởng đến chất lượng nước lục địa, đe dọa sức khỏe cộng đồng và hệ sinh thái thủy quyển"; thuyết trình của Tiến sĩ Chris Wi Lcox, chuyên gia về ô nhiễm môi trường biển và không khí cơ quan bảo vệ môi trường Australia với chủ đề "Ô nhiễm chất dẻo từ cái nhìn hệ thống nguồn kết nối, vận chuyển, phân phối và ảnh hưởng".

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, có vị trí địa lý hết sức quan trọng, là cầu nối giao thương nhiều nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - thương mại và du lịch.

Tuy nhiên, môi trường sinh thái và con người ở nhiều khu vực trên đất nước Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề của tồn lưu chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Bên cạnh những thách thức do hậu quả ô nhiễm môi trường sau chiến tranh để lại, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức về môi trường.

Theo đánh giá, tại Việt Nam diễn ra ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước, không khí. Trong thập niên qua, nhiều sự cố môi trường, trong đó có sự cố môi trường rất nghiêm trọng xảy ra… Nguyên nhân chính là do hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường diễn biến ngày càng phức tạp, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm, công tác quản lý môi trường hạn chế, biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp và nhanh hơn so với dự báo, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Chính vì vậy, Việt Nam quyết tâm thực hiện các chủ trương, chính sách có tính chiến lược lâu dài thông qua các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ cũng như tăng cường hợp tác, tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế… để giải quyết những vấn đề cấp bách về môi trường hiện nay cũng như trong tương lai.

Bảo vệ môi trường là vấn đề chung của toàn cầu, đòi hỏi sự nỗ lực của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam trân trọng sự phối hợp, hỗ trợ của Hội Hóa học và các trường Đại học Môi trường Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cùng một số tổ chức hoạt động tích cực, mạnh mẽ trong bảo vệ môi trường ở khu vực. Nội dung hội thảo lần này rất phong phú, đa dạng, với một chương trình đào tạo ngắn, 3 phiên hội thảo và 12 chủ đề, diễn ra từ ngày 8-11/3.

Đây cũng là dịp để các nhà khoa học trình bày những kết quả nghiên cứu, thảo luận các vấn đề môi trường hiện tại và chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau.

Cũng trong sáng 8/3, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có cuộc đàm thoại với các giáo sư dự hội nghị về hiện trạng môi trường Việt Nam, cách thức quản lý và Chiến lược về môi trường của Việt Nam trong những năm tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục