Ô nhiễm môi trường, Hà Nội kêu gọi doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào xử lý nước thải

16:25' - 12/09/2017
BNEWS Việc ô nhiễm môi trường tại một số khu cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Hà Nội cho thấy, công tác xử lý nước thải đang bộc lộ những hạn chế.
Nước thải ở một số làng nghề vẫn còn xả thẳng ra các ao, hồ, kênh mương khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, bốc mùi hôi thối. Ảnh minh họa, nguồn TTXVN

Nguyên nhân của tình trạng trên không chỉ bắt nguồn từ việc thiếu đồng bộ trong đầu tư, đấu nối các trạm xử lý nước thải mà còn từ công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này vẫn còn chồng chéo, bất cập.

* Đầu tư không hiệu quả

Thanh Trì là một trong số huyện của Hà Nội phát triển mạnh ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Kéo theo đó là ô nhiễm môi trường, không khí, khói bụi, tiếng ồn, nước thải...

Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, thành phố Hà Nội đã đầu tư kinh phí xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho một số cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.

Song, do chưa có sự quan tâm của cấp chính quyền trong công tác quản lý, vận hành khiến khiến hệ thống xử lý nước thải tại cụm sản xuất làng nghề Tân Triều (xã Tân Triều) phải “đắp chiếu”, trong khi môi trường tại khu vực bị ảnh hưởng.

Cụm sản xuất làng nghề Tân Triều được thành lập cuối năm 2009 có tổng diện tích là 105.777m2 với ngành nghề chủ yếu là dệt, nhuộm, sơ chế và lông vũ với tổng số lao động trên 1.000 người.

Vào thời điểm khoảng năm 2007 nhà máy xử lý nước thải công nghiệp đã được xây dựng, với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường cụm sản xuất làng nghề.

Nhưng do công tác quản lý thiếu chặt chẽ, nên từ khi xây dựng đến nay, nhà máy xử lý nước thải chưa một lần hoạt động. Các hộ sản xuất ở đây tự xử lý nước thải rồi đưa ra môi trường.

Từ việc xử lý nước thải tại cụm tiểu thủ công nghiệp Triều Khúc, Tân Triều cho thấy, công tác này tại Hà Nội còn bộc lộ những hạn chế.

Ông Đồng Phước An, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, việc một số nhà máy xử lý nước thải tại các khu cụm công nghiệp trên địa bàn hoạt động không hiệu quả bắt nguồn từ việc các doanh nghiệp chưa phối hợp với các chủ đầu tư của cụm công nghiệp trong công tác đấu nối thoát nước để thu gom nước thải về trạm xử lý nước thải.

Mặt khác, một số doanh nghiệp phát sinh lượng nước thải lớn đều đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải riêng, được Sở Tài nguyên và Môi trường cho phép xả thải, nên không cần xử lý qua trạm.

Cùng với đó, một số doanh nghiệp khi đầu tư nhà máy xử lý nước thải chưa tính toán kỹ nhu cầu xả thải dẫn tới công suất thực tế vận hành còn thấp hơn nhiều công suất thiết kế.

Thêm nữa, việc thu phí nước thải còn gặp nhiều khó khăn do các chủ đầu tư chưa xác định giá dịch vụ.

Từ những nguyên nhân trên, khiến một số nhà máy xử lý nước thải hoạt động cầm chừng, không đúng công suất thiết kế, gây thất thoát nguồn lực xã hội.

Cùng với việc công suất xử lý không đúng nhu cầu, hiệu quả hoạt động thấp thì thực tế ở Hà Nội hiện nay còn có tình trạng chậm tiến độ xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở một số địa phương.

Theo kế hoạch đến hết năm 2017 thành phố phải đảm bảo tỷ lệ 55,8% các cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, dù đã được phê duyệt nhưng 2 trạm Ngọc Sơn (huyện Chương Mỹ) và Phúc Thịnh (thị xã Sơn Tây) theo khảo sát thực tế, hiện tiến độ xây dựng gần như dậm chân tại chỗ, cho thấy kế hoạch trên bị phá vỡ.

*Buông lỏng quản lý trong lĩnh vực xử lý nước thải

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện thành phố có 43 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định; trong đó, có 21 cụm công nghiệp có nhà máy xử lý nước thải.

Ngoài ra, còn 9 cụm công nghiệp đã có nhà máy xử lý nước thải nhưng chưa đi vào hoạt động gồm: xã Ngọc Hòa (Chương Mỹ), xã Liên Phương (Thường Tín), xã Nguyên Khê (Đông Anh), xã Đông Anh (Đông Anh), xã Phú Thị (Gia Lâm), xã Phúc Thọ (Phúc Thọ), xã Liên Hà (Đan Phượng), Phúc Thịnh (Sơn Tây).

Bên cạnh đó, còn 19 cụm công nghiệp chưa được thực hiện đầu tư xây dựng trạm; trong đó, 8 cụm công nghiệp không phù hợp quy hoạch theo quy hoạch sử dụng đất, còn 11 cụm công nghiệp phù hợp quy hoạch nhưng quy mô nhỏ và với khối lượng nước thải nhỏ (20-220 m3/ngày đêm).

Trước đây, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành liên quan lập đề án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn giai đoạn năm 2012 - 2015.

Nhưng từ năm 2016 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao nhiệm vụ quản lý nhà nước thải tập trung từ Sở Công Thương về một đầu mối là Sở Xây dựng quản lý.

Mục đích của việc "đổi chủ" quản lý về công tác xử lý nước thải cho thấy, Hà Nội đang quyết tâm đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 100% cụm công nghiệp có khu xử lý nước thải tập trung như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần XVI đề ra.

Điều đó cho thấy việc bao phủ nhà máy xử lý nước thải tại các khu cụm công nghiệp trên địa bàn có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ môi trường ở Thủ đô.

Tuy vậy, do công tác quản lý của địa phương và một số ngành còn chưa tốt dẫn tới hiệu quả đảm bảo môi trường chưa như kỳ vọng.

Theo Ban Đô thị - Hội đồng nhân dân thành phố, bất cập nhất hiện nay là nhiều cụm công nghiệp đã hoạt động ổn định nhưng chưa được đầu tư xây dựng trạm và hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung (mới có 19 cụm, chiếm 44,2% trong số 43 cụm công nghiệp đang hoạt động ổn định trên toàn thành phố).

Trước thực trạng trên, dư luận có quyền đặt câu hỏi trách nhiệm của các địa phương và các sở, ngành liên quan đến đâu?

Theo ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, trước hết trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp.

Song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của cơ quan quản lý mà trực tiếp là UBND cấp huyện điều hành thiếu sát sao. Trong một số trường hợp còn buông lỏng quản lý.

Cạnh đó cũng là trách nhiệm của các sở, ngành, nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố trong việc kiểm tra, đôn đốc xử lý các doanh nghiệp phát sinh nước thải ô nhiễm thời gian qua.

Cũng theo ông Nguyễn Nguyên Quân, qua khảo sát thực tế tại một số địa phương cho thấy, hiện Hà Nội còn tới 68 cụm công nghiệp (thực chất là các điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề), có quy mô nhỏ.

Trong đó, nhiều cụm nằm xen kẽ hoặc gần khu dân cư đang hoạt động sản xuất nhưng không có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Tình trạng nước thải từ các cơ sở sản xuất không được xử lý sơ bộ xả thải trược tiếp ra môi trường xung quanh, gây ô nhiễm môi trường rất lớn.

Trước thực tế trên, đòi hỏi Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cùng các quận, huyện tập trung giải quyết.

Cho biết về kế hoạch xây dựng các nhà máy xử lý nước thải thời gian tới, ông Đồng Phước An, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh, thành phố đang xây dựng cơ chế, chính sách trong quản lý vận hành để quản lý tốt hơn nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn.

“Tinh thần là thành phố Hà Nội kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân quan tâm đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải.

Hiện nay, Sở Xây dựng Hà Nội cùng với các cơ quan liên quan khác, đang phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng, thương mại Phú Điền tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng của các nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn để doanh nghiệp này đầu tư và quản lý”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết.

Ngoài ra, để tăng hiệu quả quản lý Nhà nước lĩnh vực xử lý nước thải, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị với thành phố, yêu cầu các quận huyện, thị xã bắt buộc các đơn vị hoạt động trong các khu cụm công nghiệp phải đấu nối về trạm xử lý chung để xử lý.

Mặt khác, thành phố khẩn trương ban hành đơn giá xử lý nước thải./.

Xem thêm:

>>>Dự án nhà máy xử lý nước thải Cần Thơ phải hoàn thành trước tháng 3/2018

>>>Hà Nam: Sớm xử lý ô nhiễm quanh Trạm xử lý nước thải dệt nhuộm Hòa Hậu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục