Phân bổ ngân sách: Lấy dân số là tiêu chí cơ bản sẽ khó cho địa phương

17:43' - 14/11/2015
BNEWS Chính phủ lấy tiêu chí dân số là tiêu chí cơ bản thì sẽ khó cho các địa phương để đảm bảo kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.

Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 417.618 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách Trung ương là 850.882 tỷ đồng; trong đó dự toán 211.221 tỷ đồng để bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương…

Đại biểu Phương Thị Thanh, Phó Trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bắc Kạn đã có ý kiến chia sẻ với phóng viên TTXVN xung quanh vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Phương Thị Thanh. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Phóng viên: Thưa bà, có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng chi đầu tư cơ bản, chi cho các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn dàn trải, thiếu trọng tâm, hiệu quả không cao, thậm chí còn lãng phí… Ý kiến của bà về nhận định này như thế nào?

Bà Phương Thị Thanh: Trong phân bổ ngân sách Trung ương cho năm 2016. Quốc hội cũng thông qua ngân sách cho chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã trình Quốc hội trong phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016 đưa chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững để phân bổ cho các địa phương thực hiện.

Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết cũng có nội dung, sau khi phân bổ ở những tiêu chí mà Chính phủ đã quy định sẽ được điều chỉnh phân bổ cho các địa phương giai đoạn 2016-2020.

Qua việc phân bổ ngân sách, việc quyết định khi đưa giải pháp để thực hiện mục tiêu quốc gia cho giai đoạn 2016-2020 có các thứ tự ưu tiên.

Theo đó, ưu tiên cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, biên giới, hải đảo và xã nghèo thuộc diện 30A…

Tôi cho rằng, nội dung này khó phân định. Và nhìn vào biểu phân bổ, nguồn lực phân bổ cho các địa phương cũng còn chưa tương xứng, còn rất thấp.

Tôi lấy ví dụ chẳng hạn như một chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới với một địa phương phân bổ là 20 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, tôi cho rằng, với nguồn vốn này, địa phương sẽ khó thực hiện được.

Phóng viên: Với việc phân bổ nguồn ngân sách đối với một số địa phương còn thấp, bà có ý kiến gì xung quanh vấn đề này?

Bà Phương Thị Thanh: Giải pháp chúng ta đã có. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ chưa ban hành tiêu chí cụ thể. Nhưng theo tôi, đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã nghèo, xã an toàn khu, xã biên giới và hải đảo, chúng ta phải có cơ chế đặc thù.

Bởi, thứ nhất, điểm xuất phát của địa phương rất thấp; các hạ tầng thiết yếu của địa phương chưa hoàn thiện. Đối với đầu tư phát triển này mà phân bổ thấp như vậy, địa phương sẽ không bao giờ hoàn thiện được hạ tầng thiết yếu.

Thứ hai, phải huy động nguồn lực xã hội hóa, các xã này chủ yếu là hộ nghèo, dân nghèo, dân cư thưa thớt, mục đích của họ giữ đất, giữ biên cương là chính. Cho nên, họ khó có thể xã hội hóa được, các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này cũng rất ít.

Bên cạnh đó, thực lực hoạt động của doanh nghiệp khu vực này cũng rất hạn chế về tài chính. Thứ ba là sự đóng góp của người dân, nhưng các hộ dân ở các xã này còn đang rất nghèo, đang khó khăn...

Nếu bây giờ, các hộ dân này phải đóng góp để thực hiện đảm bảo mục tiêu, tỷ lệ đóng góp thực hiện các chương trình xã hội hóa như vậy sẽ rất khó đối với người dân ở những vùng này.

Phóng viên: Thưa bà, như chúng ta đã biết, nguồn vốn ngân sách thực hiện trong năm 2016 còn nhiều hạn chế. Vậy, việc phân bổ cho địa phương, Trung ương, tỷ lệ phân bổ có phù hợp hay không?

Bà Phương Thị Thanh: Việc phân bổ ngân sách, Chính phủ cũng đã ban hành các quyết định về tiêu chí. Tuy nhiên, đối với địa phương như chúng tôi, tôi nhận thấy, Chính phủ lấy rất nhiều tiêu chí nhưng trong đó, tiêu chí về dân số vẫn là tiêu chí cơ bản để thực hiện; đặc biệt, là các nguồn vốn về sự nghiệp, vốn đầu tư…

Tuy nhiên, tiêu chí về dân số cũng rất khó mà Chính phủ không gắn với những tiêu chí khác, như là: địa phương quản lý một diện tích rất rộng, trong khi đó, đầu mối hành chính địa phương cũng thực hiện; quy định của Nhà nước, địa phương cũng biên chế như vậy, cũng phải chi cho con người như vậy. Mà hiện nay, Chính phủ lấy tiêu chí dân số là tiêu chí cơ bản thì sẽ khó cho các địa phương để đảm bảo kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.

Phóng viên: Thưa bà, tại kỳ họp Quốc hội lần này có nói rất nhiều đến việc cắt giảm chi tiêu công; trong Nghị quyết về phân bổ ngân sách lần này, có đưa ra được những con số rõ ràng, cụ thể đối với việc cắt giảm chi tiêu công là bao nhiêu không?

Bà Phương Thị Thanh: Trong giải pháp về Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội có đề cập đến. Như là cắt giảm tối đa chi phí không cần thiết, đặc biệt là chi tiêu công.

Trong Nghị quyết phân bổ ngân sách không có quy định mục cụ thể; trong tổng thể đó, ví dụ như: chi cho quản lý, chi cho bộ máy hành chính hoặc nói cách khác là chi thường xuyên. Năm 2015, dự báo chi thường xuyên chiếm khoảng 69% tổng chi ngân sách. Như vậy, năm 2016, giải pháp của Quốc hội là giảm 1-2% cho chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách. Việc này cũng không có nội dung cụ thể.

Phóng viên: Theo bà, việc phân bổ ngân sách trong năm 2016 giữa các địa phương có đồng đều hay không và để nâng cao hiệu quả cho Chương trình mục tiêu quốc gia cần được thực hiện như thế nào?

Bà Phương Thị Thanh: Trong phân việc bổ ngân sách, địa phương nào chắc cũng mong muốn địa phương mình được phân bổ nhiều; đặc biệt, đối với một số địa phương, ngân sách Trung ương cân đối, bổ sung cho địa phương.

Tôi cũng nhận thấy rằng, cơ bản Chính phủ cũng bám vào các tiêu chí. Tuy nhiên, đối với chi đầu tư, chi phát triển cũng theo tiêu chí của Chính phủ và bổ sung có mục tiêu.

Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện 21 chương trình mục tiêu, không phải là chương trình mục tiêu quốc gia. Tôi thấy việc phân bổ đó cũng chưa có tiêu chí cụ thể. Do đó, nếu nói là tuyệt đối hoàn toàn là khó, chỉ ở mức tương đối.

Phân bổ ngân sách trong năm 2016, cũng sẽ tập trung vào cho hai chương trình xây dựng nông mới và giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả cho chương trình mục tiêu quốc gia, Quốc hội yêu cầu Chính phủ giao vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, ngành, địa phương trong năm 2016.

Sau khi Chính phủ ban hành các định mức phân bổ cụ thể, thực hiện điều chỉnh, cân đối lại mức vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho từng địa phương theo kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm (giai đoạn 2016-2020).

Phóng viên: Xin cám ơn bà.

Thúy Hiền (Thực hiện)/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục