Phát triển kinh tế biển: Bài 2 - Không đánh đổi môi trường

10:44' - 15/08/2016
BNEWS Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế cần chú trọng sàng lọc các dự án đầu tư, ngay từ giai đoạn sớm của dự án; kiên quyết từ chối các dự án không thân thiện với môi trường.
Phát triển kinh tế biển: Không đánh đổi môi trường. Ảnh: TTXVN

Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội biển, đảo bền vững, các chuyên gia cho rằng, trước hết cần đánh giá nghiêm túc, chính xác các nhiệm vụ trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược biển; trong đó trọng tâm là đánh giá về xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế biển, đảo, thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm và di giãn dân đến các huyện ven biển; đồng thời, đề xuất các nhiệm vụ mới trong phát triển kinh tế biển phù hợp với bối cảnh mới. 
Theo đó, cần chú trọng sàng lọc các dự án đầu tư, ngay từ giai đoạn sớm của dự án; kiên quyết từ chối các dự án không thân thiện với môi trường. Mặt khác, chú trọng đến việc xây dựng và bảo đảm chất lượng kế hoạch quốc gia ứng phó với thảm họa môi trường biển được Chính phủ thông qua, với tất cả các nhiệm vụ nhằm bảo đảm “tính chuyên nghiệp” trong tổ chức ứng phó với thảm họa.

Các địa phương vùng ven biển cũng cho rằng, cần chú trọng quy hoạch và tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và luật pháp về lĩnh vực biển, đảo và có cơ chế phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế biển, đảo. Cần tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” dẫn đến sự phân tán, nhỏ lẻ thiếu tập trung giữa các địa phương với cả vùng, giữa địa phương với từng ngành, mà cần có sự liên kết, phối hợp với nhau. 
Cũng có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã đặt ra nhiều giải pháp cho phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, vấn đề là cần thực hiện và phối kết hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương như thế nào. Đó mới là điều quan trọng và mấu chốt.

Kinh tế biển cần được phát triển một cách bền vững. Ảnh: TTXVN

Ông Hường phân tích: "Hiện nay, bốn “bảo” này chúng ta đã có phân cấp nhưng chưa gom lại thành một văn bản, gọi là văn bản “gối đầu” cho ngư dân để khi ngư dân vươn ra bám biển, chẳng may có vi phạm vào vùng biển quốc tế hay vùng biển trong nước, ngư dân sẽ mở ra và biết được nhà nước sẽ vào cuộc được đến đâu ? Khi ngư dân có văn bản “gối đầu”, thì những vấn đề nảy sinh sẽ được giải quyết dễ dàng hơn cho cả cơ quan quản lý nhà nước và ngư dân". 
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng cho rằng, sắp tới, ngành sẽ chú trọng thu hút đầu tư vào ngành năng lượng sạch và tái tạo, đầu tư trực tiếp cho môi trường để bảo vệ và tái sinh môi trường. 
“ Dịch vụ môi trường, xử lý môi trường, tư vấn về Luật Môi trường, tư vấn về kỹ thuật môi trường, đó cũng sẽ là những ngành phát triển. Đứng về góc độ quản lý ngành tài nguyên môi trường, chúng tôi đang nhìn thấy một làn sóng mới về đầu tư. Vấn đề là chúng ta cần tạo ra một “cơ chế” cần thiết để cho sự khởi nghiệp của doanh nghiệp năng động và sáng tạo hơn”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh./.

Xem thêm:

>> Phát triển kinh tế biển: Bài 1 - Kế hoạch mới, tư duy cũ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục