Phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Bài 4: Cần sự “dấn thân” của doanh nghiệp

08:51' - 22/12/2017
BNEWS Ứng dụng công nghệ cao chính là góp phần vào quá trình sản xuất này, từ tìm hiểu thông tin thị trường đến sản xuất, thương mại, sẽ giúp cả doanh nghiệp lẫn nông dân có thu hoạch hiệu quả lâu dài.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đòi hỏi mất rất nhiều chi phí đầu tư công nghệ. Đó là chưa kể đến khi sản xuất ra sản phẩm mà giá trị mang lại không cao như mong đợi, sẽ dẫn đến thất thoát lớn cho người đầu tư.

Thế nhưng, nếu không thực hiện, thì nền nông nghiệp Việt Nam vẫn sẽ dậm chân tại chỗ, trong khi thị trường thế giới đang tiến lên một phương thức sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng mới.

Theo bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân (Long An), thực hiện nông nghiệp công nghệ cao có thể giúp tăng năng suất lẫn chất lượng thêm 30%. Tuy nhiên, để thành công, cần có sự dấn thân và hi sinh của doanh nghiệp. Bởi đây là sự đầu tư vốn rất lớn trước khi có thể thu lợi nhuận.

Quy trình chăn nuôi khép kín của công ty Ba Huân từ con giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi, tiêm phòng đến cơ sở xử lý, đóng gói…cung ứng ra thị trường. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

Bà Huân chia sẻ, ngay giai đoạn đầu những năm 2003-2005 các thiết bị mà Công ty Ba Huân đưa vào ứng dụng đều phải nhập khẩu từ Hà Lan. Sau đó Ba Huân đã phá sản, mất hàng trăm triệu đồng vì sản phẩm được đầu tư tốn kém, nhưng giá trị mang lại không cao.

Tuy nhiên, Ba Huân vẫn không nản lòng, tiếp tục gây dựng lại công ty, tiếp tục ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và cũng đã được thị trường đón nhận.

Cho đến nay, Ba Huân đã giúp cho nông dân nuôi gà, vịt lấy trứng thoát nghèo. Ba Huân còn hướng dẫn nông dân khu vực tỉnh Phú Thọ liên kết nuôi gà Ai Cập, giúp người tiêu dùng có được sản phẩm trứng an toàn, bổ dưỡng, rẻ tiền.

Trong thời gian tới, Ba Huân đầu tư dây chuyền giết mổ gia cầm hơn 100 tỷ đồng tại Long An, phát triển chuỗi xúc xích bò viên, gà viên phục vụ cho nhu cầu của người dân khu vực thành phố.

Với các thị trường như châu Âu và Mỹ, khởi đầu của nền nông nghiệp vẫn là cách dùng chất kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và chăn nuôi. Đến bây giờ, người tiêu dùng châu Âu đã tiến bộ hơn và sẵn sàng khai tử phương thức sản xuất này.

Chính vì vậy, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam cũng phải theo kịp nhu cầu tiêu dùng của người châu Âu mới có thể hòa nhập với thị trường toàn cầu, mà người dẫn dắt trước tiên chính là doanh nghiệp, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng cho rằng, cách sản xuất và thương mại cái mình đang có đã lỗi thời. Thay vào đó là phương thức sản xuất thông minh hơn, nghiên cứu thị trường và nắm chắc đơn hàng rồi mới sản xuất, mới mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Ứng dụng công nghệ cao chính là góp phần vào quá trình sản xuất này, từ tìm hiểu thông tin thị trường đến sản xuất, thương mại, sẽ giúp cả doanh nghiệp lẫn nông dân có thu hoạch hiệu quả lâu dài, dù khởi đầu rất tốn kém và gặp nhiều khó khăn.

Để có một nền nông nghiệp thông minh thì không chỉ doanh nghiệp thông minh, mà cần phải có một thế hệ nông dân thông minh, dám chấp nhận thay đổi, dám lăn xả học tập và ứng dụng cái mới thì mới góp phần vào sự thành công của nền nông nghiệp thông minh này.

Theo ông Mai Thành Phụng, nguyên Thường trực Trung tâm Khuyến nông quốc gia, khu vực phía Nam, để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thì rất cần những người nông dân thông minh, nông dân công nghệ cao.

Tuy nhiên, hiện nay 70% nông dân vẫn chưa thích ứng được với phương thức sản xuất này vì sự tốn kém, đầu tư và kĩ năng vận hành máy móc, không giống thói quen sản xuất thủ công hiện nay.

Do đó, các nhà khoa học cũng phải dấn thân vào thực tế sản xuất, gần gũi hơn với nông dân, "cầm tay chỉ việc" cho họ để dần thay đổi nhận thức của họ, là chỗ dựa, niềm tin vững chắc, giúp nông dân bước những bước đi dài hơn trên con đường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Một thực tế điển hình là việc xử lý nước thải nuôi trồng thủy sản và xử lý đất sản xuất sau khi thu hoạch. Nếu như trước đây chỉ dùng hóa chất để xử lý, hoặc mất thời gian dài cho phơi đồng diệt khuẩn, cày ải lật đất giúp đất tơi xốp, diệt mầm sâu bệnh trong vụ mùa vừa qua.

Khi ứng dụng công nghệ cao thì chỉ cần sử dụng tia UV, tia cực tím có thể khử trùng, diệt khuẩn toàn bộ nước thải trong nuôi trồng thủy sản, hoặc dùng men vi sinh để khử trùng đất sản xuất, không mất thời gian dài chờ đợi đến vụ sau.

Qua khảo sát ở tỉnh Long An, cũng có nhiều nông dân luôn sẵn sàng học hỏi để ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Khi nhận biết thông tin thị trường yêu cầu hàng hóa phải đạt chất lượng cao, những nông dân này đã không ngại khó, đi tìm mối liên kết để học hỏi cách ứng dụng kĩ thuật hiện nay.

Ông Ngô Văn Hóa, nông dân trồng hoa màu và xen canh lúa nếp tại xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, Long An chia sẻ, hiện gia đình ông canh tác theo phương thức truyền thống, chưa từng đưa thiết bị công nghệ cao vào sản xuất.

Qua tìm hiểu thông tin từ các nhà khoa học và cơ quan chức năng, ông quyết định lựa chọn chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa màu. Dù biết đầu tư ban đầu sẽ tốn kém, nhưng nếu ông hợp tác thêm với nhiều nông dân khác để sản xuất, thì hiệu quả sẽ cao hơn./.

>>> Phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Bài 1: Xu hướng chủ đạo

>>> Phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Bài 2: Gỡ vướng trong cho vay

>>> Phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Bài 3: Lấy thị trường làm "tâm điểm"

>>> Bài cuối: Không chạy theo phong trào

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục