Phát triển thủy lợi hiệu quả, đa mục tiêu

14:28' - 23/11/2017
BNEWS Trước yêu cầu đổi mới nền kinh tế, đặc biệt là đổi mới nền nông nghiệp, đòi hỏi thủy lợi phải có tầm nhìn đa chiều, huy động được nguồn lực và tìm động lực mới cho thủy lợi.
Hội thảo "Định hướng Chiến lược thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050". Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Ngày 23/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Thế giới đã tổ chức hội thảo “Định hướng Chiến lược thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050”.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, thời gian vừa qua, thủy lợi Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu, minh chứng bằng việc là đã phục vụ rất tốt cho nền kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp.
Tuy vậy, ngành thủy lợi cũng còn hạn chế từ nội tại như những thể chế trong quản trị nước chưa được tối ưu, quản lý tổng hợp nguồn nước, quản lý thống nhất theo lưu vực sông, chuyển nước thành hàng hóa, vận hành theo thị trường…

Cùng với đó là những thách thức phải đáp ứng được những yêu cầu mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần làm giảm nhẹ những tác động do sử dụng tài nguyên thiên nhiên, hay sự phát triển của thượng nguồn…
Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, trước yêu cầu đổi mới nền kinh tế, đặc biệt là đổi mới nền nông nghiệp, đòi hỏi thủy lợi phải có tầm nhìn đa chiều, huy động được nguồn lực và tìm động lực mới cho thủy lợi.
Theo ông Phạm Hùng Cường, chuyên gia cao cấp về tài nguyên nước, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, phát triển thủy lợi đáp ứng các mục tiêu bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường đến năm 2030, tầm nhìn 2050 cần chú trọng đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp có tưới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
Hoạt động thủy lợi cần dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp nguồn nước, nhất là theo lưu vực sông và hệ thống thủy lợi. Chuyển một số nội dung của hoạt động thủy lợi sang vận hành theo cơ chế thị trường, có sự tham gia chủ động của người hưởng lợi, của các thành phần kinh tế từ xây dựng đến quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Bởi vậy, cần phát triển thủy lợi bền vững về tài chính trên cơ sở vận hành theo cơ chế thị trường, có sự tham gia của người dân và các thành phần kinh tế để đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp có tưới, tạo nguồn nước cho dân sinh, công nghiệp, dịch vụ.

Cùng với đó là thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và quản lý hiệu quả nguồn nước.
Thực hiện Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam, trong giai đoạn 2009-2016, nhiều hệ thống thủy lợi lớn đa mục tiêu đã được xây dựng như Cửa Đạt, Ngàn Trươi – Cẩm Trang, Bản Mồng, Tả Trạch, Vân Phong...; kiên cố hóa trên 65.000 km/235.000 km kênh (25,7%); sửa chữa, nâng cấp hàng trăm hồ chứa các loại; nâng cấp hàng nghìn km đê sông, kè, đê biển, xây dựng các khu khu neo đậu tránh trú bão, hệ thống cụm tuyến dân cư tránh ngập lũ…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục