Phát triển xe đạp công cộng trong giao thông đô thị Việt Nam

19:37' - 17/11/2016
BNEWS Việt Nam từng chứng kiến việc chuyển ngoạn mục từ xe đạp sang xe máy của người dân, giờ cần tìm giải pháp để thúc đẩy việc chuyển đổi lại này là điều không dễ dàng.
Ông Nguyễn Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội ô tô, xe máy, xe đạp Việt Nam và ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì buổi tọa đàm. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Trong khuôn khổ triển lãm quốc tế xe hai bánh Việt Nam (Vietnam Cycle 2016) đang diễn ra ở Hà Nội từ ngày 17-19/11 đã diễn ra tọa đàm “Phát triển xe đạp trong giao thông đô thị - Kinh nghiệm quốc tế và khả năng áp dụng tại Việt Nam” chiều 17/11.

Phó Chủ tịch Hiệp hội ô tô, xe máy, xe đạp Việt Nam Nguyễn Hữu Sơn đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thống Nhất cho biết, tọa đàm này đã phần nào thể hiện sự quan tâm của Chính phủ trong phát triển giao thông bằng xe đạp như một phương tiện của xã hội văn minh hơn vì sức khỏe, môi trường và an toàn giao thông.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia sử dụng xe máy nhiều dẫn đến giao thông tắc nghẽn và ô nhiễm không khí. Đây là vấn đề các cơ quan quản lý và người dân đặc biệt quan tâm. Do đó, những năm gần đây, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hạn chế sử dụng phượng tiện cá nhân là ô tô và xe máy.

Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân sử dụng xe đạp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ khí thải. Bởi vậy, thị trường xe đạp đã phát triển nhanh chóng với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu xe nổi tiếng trên thế giới tại Việt Nam.

Điều này cho thấy, thị trường xe đạp rất tiềm năng và thể hiện hơn ở hiệu quả của các cuộc triển lãm quốc tế xe hai bánh tại Tp. Hồ Chí Minh nhiều kỳ trước đây và hiện nay là Hà Nội.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Lionel Bayard, Giám đốc phát triển xe đạp Peugeot của Pháp cho hay, nước Pháp đang đứng thứ 3 ở châu Âu với 2,9 triệu xe đạp được bán ra, sau nước Đức (4,1 triệu) và nước Anh (3,6 triệu xe).

Năm 2015 là một năm kỷ lục của thị trường Pháp khi tổng số xe đạp và phụ kiện được bán ra lên tới 1,7 tỷ euro; trong đó, có 961 triệu Euro là doanh thu từ xe đạp và 729 triệu Euro từ phụ kiện khác.

Số lượng xe đạp ở Pháp còn tăng hơn số lượng xe máy bán ra và tiếp tục có xu hướng giảm dần phương tiện xe máy và ô tô. Đây là lý do có rất nhiều nhà đầu tư cũng như các công ty ngày càng tập trung đầu tư sản xuất xe đạp ở Pháp.

Đáng chú ý, trong các hoạt động, xe đạp đứng thứ hai trong các hoạt động thể chất của người Pháp, sau đi bộ. Để làm được việc này, Pháp đã thực hiện nhiều biện pháp hạn chế phương tiện tham gia thông là xe máy và ô tô không đạt tiêu chuẩn khí thải.

Đồng thời, đặt tới 55.000 trạm xe đạp tự do ở khắp 42 thành phố; khuyến khích và tạo sự hỗ trợ tối đa nhất cho người dân di chuyển bằng xe đạp, kể cả người già và trẻ em. Đến nay, xe đạp là mắt xích cuối cùng của chuỗi di chuyển đa phương tiện (tàu - ô tô - tàu điện ngầm) của người dân.

Mới đây, Quốc hội Pháp cũng thông qua các biện pháp để phát triển đi xe đạp. Cụ thể là giảm thuế cho những người sử dụng xe đạp để di chuyển tới nơi làm việc; hỗ trợ xe đạp miễn phí hoặc có những trợ cấp theo tuyến di chuyển bằng xe này. Trong khi đó, các toà nhà mới cũng phải đảm bảo việc cung cấp chỗ để xe đạp cho khách…

Tất cả những điều này giúp người tiêu dùng giảm thiểu chi phí (so với các phương tiện khác) cùng ưu thế về việc di chuyển, tiện lợi, phù hợp với cuộc sống hiện đại. “Có thể khẳng định, ở Pháp đang có một sự hồi sinh trong việc sử dụng xe đạp như một công cụ di chuyển thường ngày thay cho xe máy” - ông Lionel Bayard nhấn mạnh.

Một góc gian hàng của Công ty TNHH MTV Thống Nhất tại triển lãm. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS/TTXVN

Đề xuất thí điểm xe đạp công cộng tại Hà Nội, ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc dự án BK-EBIKE cho biết, đặc trưng của hệ thống xe đạp công cộng trên thế giới là tiện và rẻ hơn xe cá nhân; vận hành đa điểm (lấy điểm này trả điểm kia); mật độ bãi đỗ cao (0,5km - 1km - 1,5km/trạm); giao dịch tự động; quản lý xe mất, hỏng hiệu quả; chính quyền ưu tiên, hỗ trợ về mặt bằng, ưu tiên tham gia giao thông, ưu tiên kết nối với xe bus, tàu điện trên cao…

Theo ông Hiệp, phát triển hệ thống xe hai bánh công cộng kết nối đồng bộ với xe buýt, tàu điện trên cao rẻ, tiện, xanh hơn xe máy cá nhân. Trước mắt, năm 2016 BK-EBIKE thí điểm trạm cho thuê xe tự động tại Đại học Bách Khoa Hà Nội bằng việc tự động giao, nhận xe và thanh toán tự động.

Đến năm 2017 và 2018 thí điểm khả năng kết nối với xe bus, đường sắt đô thị và thay thế xe máy cá nhân (50 trạm với 1.500 xe). Đến năm 2019 và 2020 dự án sẽ mở rộng quy mô toàn bộ các quận trung tâm Hà Nội với 400 trạm và 12.000 xe.

Bước đầu, dự án sẽ đưa 730 xe (180 xe điện, 550 xe đạp) vào thí điểm với giá cho thuê dự kiến 3.000 đồng/giờ đối với xe đạp 1 chỗ ngồi; 5.000 đồng/giờ đối với xe đạp hai chỗ ngồi và 15.000 đồng/giờ đối với xe đạp điện.

Về nguồn lực đầu tư, ông Hiệp cho biết, sẽ huy động bằng các hình thức vận động tài trợ, cổ phần hóa, chia sẻ nguồn lực, cho thuê tài chính, vay ngân hàng đầu tư, ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, nếu tư nhân tự đầu tư việc mở rộng hệ thống các trạm giao dịch rất chậm và rất khó trong khu vực trung tâm Hà Nội.

Do đó, ông Hiệp đề xuất hợp tác công - tư (PPP), nhà nước hỗ trợ bổ sung hệ thống các điểm giao dịch song hành với các trạm bus, tàu điện trên cao và vùng lõi đô thị. Trong khi đó, tư nhân tự đầu tư phương tiện, chủ động kinh doanh, cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ để phát triển loại hình này.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường Nguyễn Hữu Tiến khẳng định, việc phát triển hệ thống cho thuê xe đạp công cộng là một giải pháp đáng lưu ý và cần thực hiện sớm.

Đặc biệt, việc phát triển loại hình giao thông công cộng này đã được Chính phủ quan tâm, đặc biệt là vấn đề kiểm soát không khí Bộ đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thúc đẩy sử dụng xe đạp cần có những yếu tố quyết định.

Việt Nam từng chứng kiến việc chuyển ngoạn mục từ xe đạp sang xe máy của người dân, giờ cần tìm giải pháp để thúc đẩy việc chuyển đổi lại này là điều không dễ dàng. Bởi việc này đòi hỏi đến hạ tầng, môi trường không khí đang ô nhiễm khiến người dân ngại đi xe đạp.

Nguyễn Hữu Tiến đề xuất, cần có chính sách ưu tiên cho kết cấu hạ tầng cho xe đạp, đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ cho hoạt động này. Bên cạnh đó, tổ chức chương trình, cuộc vận động người dân sử dụng xe đạp, cung cấp cho người dân xe và có cam kết dùng trong thời gian bao lâu. Việc này có thể bắt đầu từ các cơ quan đoàn thể - là hạt nhân để tạo sự lan tỏa trong việc đi xe đạp rộng khắp.

Trong khi đó, ông Ngọc Vũ đến từ Câu Lạc bộ Xe đạp thể thao TDF Hà Nội cho hay, đi xe đạp giảm thiểu được áp lực giao thông công cộng. Tuy nhiên, để phát triển được phong trào này bước đầu nên thực hiện ở các cơ quan, trong đó có cơ quan quản lý nhà nước.

Đồng thời, phân làn đi riêng cho xe đạp trong phố hoặc trên đường cao tốc có đường riêng cho xe đạp xe thể thao tham gia.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Trãi ở Giảng Võ (Hà Nội), người từng 10 năm chỉ đi xe đạp đề xuất, để có phong trào đi xe đạp và đạt mục tiêu đề ra, nhà nước cần tạo cơ sở hạ tầng, có cơ sở pháp lý cho người đi và điều kiện để người dân đi được.

Đặc biệt, hiện nay thuế nhập khẩu xe đạp phổ thông đi trong thành phố về Việt Nam quá cao, ở mức 45% trong khi thuế nhập khẩu xe đạp thể thao chỉ ở mức 5% trong khi nhu cầu xe đạp thể thao là rất ít nên cần hoán đổi mức thuế này để khuyến khích người dân tham gia./.

>>> Chiêm ngưỡng chiếc xe đạp nặng nhất thế giới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục