Phẫu thuật cứu đôi chân bé trai ung thư máu bị dập tủy ngay trong đêm

17:15' - 24/05/2017
BNEWS Một bé trai 11 tuổi bị chấn thương hiếm gặp trên nền bệnh ung thư máu gần như bị liệt 2 chân đã phục hồi nhờ sự phối hợp giữa các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Truyền máu-Huyết học Tp. HCM.
Bác sĩ thăm khám cho bé T, sau phẫu thuật bé T đã phục hồi, có thể đưa chân lên cao. Ảnh: Phương Vy/TTXVN.

Chiều 24/5, bác sỹ Phan Minh Trí, Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bé trai N.N.P.T (11 tuổi, ngụ tại Mỹ Tho, Tiền Giang) đang điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (ung thư máu) tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học thành phố thì bị ngã xe khi đi xe đạp. Sau 7 ngày, bé N.N.P.T rơi vào tình trạng bí tiểu, hai chân bị liệt không cử động được.

Gia đình đưa bé vào Bệnh viện Truyền máu - Huyết học. Tại đây, ban đầu các bác sỹ cho rằng bé bị bạch cầu cấp xâm lấn vào tủy gây bí tiểu. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, chụp MRI, các bác sỹ phát hiện bé có khối máu tụ ở cột sống, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học hội chẩn liên viện với Bệnh viện Nhi đồng 1.

“Khi bệnh viện Truyền máu - Huyết học mời qua hội chẩn, chúng tôi phát hiện bệnh nhi bị tổn thương nặng cột sống, dập tủy, tụ máu ngoài màng cứng gây chèn ép ngực. Ngay lập tức chúng tôi đề nghị chuyển bệnh nhi về Bệnh viện Nhi đồng 1 và mổ cấp cứu trong đêm. Nếu chậm trễ sẽ không cứu được 2 chân của bệnh nhi”, bác sỹ Phan Minh Trí chia sẻ.

Trong đêm 18/5, các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1 quyết định phẫu thuật cứu đôi chân cho bệnh nhi. Ca mổ kéo dài từ 23 giờ ngày 18/5 đến 3 giờ ngày 19/5, ê-kíp mổ đã mở 3 đoạn đốt sống, lấy khối máu tụ, giải phóng chèn ép. Kết quả rất khả quan, chỉ 2 ngày sau mổ, cơ cử động của bệnh nhi cải thiện gần như hoàn toàn và bé đã tự đi tiểu bình thường.

“Do bệnh nhi đang điều trị ung thư nên việc phẫu thuật phải phối hợp với các bác sỹ của Bệnh viện Truyền máu - Huyết học bởi bé có nguy cơ rối loạn đông máu, nhiễm trùng vết thương sau mổ cao hơn những bệnh nhi khác”, bác sỹ Phan Minh Trí cho biết thêm.

Theo bác sỹ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, những trường hợp chấn thương như vậy rất khó phát hiện và chẩn đoán, y văn ghi nhận chỉ có khoảng 1% bệnh nhân chấn thương cột sống bị máu tụ ngoài màng cứng vùng tủy.

Bệnh nhi này đã được chẩn đoán đúng tình trạng bệnh, mổ cấp cứu kịp thời nên khả năng hồi phục của bé nhanh hơn dự đoán. Từ chỗ liệt hoàn toàn hai chân, phải đặt ống thông tiểu suốt ngày đêm, hiện nay bệnh nhi đã tự đứng lên được, đang tập đi và đi tiểu bình thường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục