Phiên họp thứ 13, UBTVQH khóa XIV: Chỉ có 10% trạm BOT được đặt đúng quy định

17:55' - 15/08/2017
BNEWS Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, có 88 trạm thu phí thì chỉ có 9 trạm có khoảng cách từ 60 đến 70km, tức là chỉ có 10% được đặt đúng quy định.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN

Thực hiện chương trình làm việc, chiều 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT)”.
Các nội dung liên quan đến công tác thu phí sử dụng dịch vụ; việc lựa chọn nhà đầu tư; công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án… tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên thảo luận.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu ví dụ, có những tuyến đường đã được đầu tư bằng ngân sách, tức là đã dùng tiền thuế của người dân để làm đường, sau đó nhà đầu tư chỉ tráng một lớp lên trên rồi lập trạm thu phí khiến người dân phản ứng.

Ngoài ra, có những tuyến đường có rất nhiều trạm thu phí như từ Hà Nội về Thái Bình chỉ khoảng 100km mà có đến 4 trạm thu phí; lại có những dự án hết thời hạn thu phí ở đường chính, nhà đầu tư mở tiếp đường tránh để thu phí để nhanh “hồi vốn”.

Sự thiếu kiên quyết của cơ quan Nhà nước trong những trường hợp này đã làm ảnh hưởng tới người dân.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, người dân rất đồng thuận với việc thu phí, quan trọng là thu như thế nào để bảo đảm đúng quy định của pháp luật và mức thu như thế nào cho hợp lý.

Bên cạnh đó, khoảng cách đặt trạm thu phí cũng cần xem xét lại.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phân tích, theo quy định, cứ 70 km đặt một trạm thu phí.

Tuy vậy, theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, có 88 trạm thu phí thì chỉ có 9 trạm có khoảng cách từ 60 đến 70km, tức là chỉ có 10% được đặt đúng quy định.

“Với những trạm không đảm bảo khoảng cách, đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân như hiện nay thì phương án giải quyết như thế nào”, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải băn khoăn.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị Bộ Giao thông Vận tải làm rõ thêm vấn đề được dư luận quan tâm tại Trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang).

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa khẳng định, các dự án giao thông nói chung đều xuất phát từ nhu cầu địa phương, nhiều địa phương mong muốn có tuyến tránh để có cơ hội mở rộng thị trấn, thị tứ, thành phố.

Dự án Cai Lậy đã thực hiện lấy đầy đủ ý kiến từ hội đồng nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội đến chính quyền địa phương.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết thêm, với chuyện ở Cai Lậy thì người dân tại chỗ không có phản ứng mà chỉ có 7 doanh nghiệp ở địa phương khác phản ứng và có hiện tượng dàn xe tại chỗ để dựng chuyện.

Chiều 15/8 đại diện Bộ sẽ tiếp nhà đầu tư dự án Cai Lậy để xem lại phương án tài chính, có thể sẽ giảm phí từ 35.000 đồng xuống 25.000 đồng.

Phương án này nhà đầu tư cũng đồng tình, nhưng sẽ phải kéo dài thu phí từ 7 năm lên 12 - 13 năm, vì tổng mức đầu tư không thay đổi.

Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao cố gắng của Đoàn giám sát tiến hành giám sát đúng quy định của pháp luật, đúng kế hoạch và chất lượng tốt.

Báo cáo giám sát đã thể hiện khá toàn diện việc chấp hành pháp luật về đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT, chỉ rõ những mặt tích cực cũng như những tồn tại, yếu kém và các sai phạm trong việc tổ chức thực hiện hợp đồng BOT trong giai đoạn 2011 – 2016.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ nhấn mạnh, khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu nhất trong quá trình triển khai dự án BOT thời gian qua, trong đó công tác quản lý Nhà nước chưa thật sự tốt; công tác quy hoạch, lựa chọn ưu tiên, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn nhà đầu tư, đặt trạm thu phí, mức thu phí… còn nhiều bất cập.

Đặc biệt, vấn đề giao quá nhiều quyền cho nhà đầu tư dẫn tới sai sót, gây bức xúc trong dư luận ở những nơi có công trình cũng cần được xem xét cụ thể...

Từ thực tế này, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành, địa phương có liên quan cần kiểm điểm, làm rõ những sai phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát; phát hiện và thu hồi thất thoát lãng phí gây ra; rà soát lại quy hoạch và tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý Nhà nước; hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hình thức đầu tư PPP nói chung và đầu tư BOT nói riêng…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục