Philippines: Mặt trái của việc sử dụng vốn Trung Quốc để phát triển hạ tầng

05:30' - 27/07/2017
BNEWS Kế hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng tốn kém của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte để tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế cho thấy ông đặt nhiều hy vọng vào tình hữu nghị mới với Trung Quốc.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Tổng thống Duterte nói trong “thời hoàng kim” về mặt hạ tầng cơ sở dưới quyền ông, nhiều đường sá, tuyến đường sắt và các cấu trúc hạ tầng khác sẽ được xây dựng trước cuối nhiệm kỳ Tổng thống của ông vào năm 2022.

Philippines, đất nước Đông Nam Á có đến 1/5 dân chúng sống trong nghèo khó, đã mất nhiều cơ hội đầu tư và công việc làm ăn, chính vì tình trạng thiếu hụt cơ sở hạ tầng.

Trung Quốc đã đề nghị viện trợ cho Philippines tới 24 tỷ USD, gồm các dự án như vừa kể, trong khuôn khổ tình hữu nghị mà hai nước - từng là đối thủ của nhau - đã theo đuổi sau khi ông Duterte lên nắm quyền vào tháng 6/2016.

Trước thời điểm đó, Philippines và Trung Quốc đã tranh chấp gay gắt với nhau về chủ quyền của một số vùng biển trong Biển Đông. Bắc Kinh chiếm thế thượng phong với các công trình lấp đất xây đảo, và triển khai các tàu tuần duyên tới một bãi cạn mà ngư dân Philippines thường hoạt động.

Ông Song Seng Wun, chuyên gia kinh tế về Đông Nam Á làm việc cho một đơn vị ngân hàng tư của CIMB ở Singapore, nhận định: “Việc Philippines tiếp tục nhận được tài trợ của Trung Quốc là điều không đáng ngạc nhiên. Duy có điều là các khoản tài trợ đó có điều kiện”.

Ông giải thích: “Trong trường hợp của Philippines, điều kiện của Bắc Kinh là Philippines phải nghiêng về Trung Quốc khi nói tới các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của nước này. Và như vậy, Philippines sẽ bị ràng buộc với Trung Quốc”.

Một ngân sách đáng kể để xây dựng hệ thống hạ tầng đã bắt đầu tăng lên từ năm 2016, dưới thời của Tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino, để xây dựng hệ thống đường sá mới, phát triển các bến cảng và sân bay cho các nhà máy và công xưởng do nước ngoài đầu tư sử dụng.

Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Philippines, ông Ernesto Abella hôm 6/7 nói trên trang Facebook của Phủ Tổng thống là: “Chúng tôi đã sẵn sàng tài trợ cho chương trình hạ tầng cơ sở ‘Xây, xây, xây’ nhằm bảo đảm phát triển kinh tế vững mạnh, theo khuôn thức phát triển bao gồm nhiều thành phần xã hội, hầu như có thể xóa đói giảm nghèo trước năm 2022”.

Có ít nhất 20 triệu người Philippines được liệt vào thành phần "nghèo khó", dựa trên các dữ liệu của Sở Thống kê Philippines hồi năm 2016. Sở Thống kê liệt vào thành phần nghèo khó những người phải xoay sở với mức thu nhập ít hơn phân nửa “mức thu nhập tối thiểu” là 1.088 pesos, tương đương với 24.10 USD/ngày.

Phát ngôn viên của Văn phòng Tổng thống cho biết Philippines cũng tăng thu qua các cải cách thuế má để tài trợ cho cấu trúc hạ tầng mới. Từ tháng 7/2016 tới tháng 5/2017, Chính phủ Philippines đã thu về 41 tỷ USD, cao hơn 7% so với cùng kỳ năm 2016.

Nhưng bên cạnh đó, giới chức nước này cũng đang dựa vào sự tài trợ của Trung Quốc. Trong năm 2016 chẳng hạn, Bắc Kinh đã thảo luận về việc giúp tài trợ hai dự án xây dựng đường sắt của Philippines, tổng kinh phí lên tới nhiều tỷ USD.

Mặt trái của việc sử dụng vốn Trung Quốc để phát triển hạ tầng tại Philippines. Ảnh: Reuters

Trung Quốc hồi tháng Giêng đồng ý hợp tác với Philippines để thực hiện 30 dự án và cho biết sẽ chi ra 3,7 tỷ USD.

Các chuyên gia và chính khách phe đối lập ở Philippines đặt nghi vấn về tài trợ của Trung Quốc bởi họ lo ngại Bắc Kinh có thể dùng tài trợ để làm xói mòn các tuyên bố chủ quyền của Philippines trong vùng biển giàu tài nguyên cá và năng lượng ngoài khơi các bờ biển phía Tây Philippines.

Một số người tự hỏi liệu Bắc Kinh có gửi công nhân Trung Quốc và vật liệu cho các dự án do họ tài trợ hay không. Các dự án được Trung Quốc tài trợ tại các nước khác thường đi kèm với lao động Trung Quốc, có nghĩa là sẽ có ít công việc làm ăn cho dân địa phương hơn.

Bà Georgina Hernandez, người phát ngôn của Phó Tổng thống Leni Robedo, nói: “Chúng tôi muốn biết liệu các dự án hạ tầng cơ sở xây bằng tiền tài trợ từ Trung Quốc có thực sự mang lại việc làm cho người lao động Philippines, dù thuộc thành phần lao động có kỹ năng hay không, cũng như có sử dụng các vật liệu địa phương hay không trong kế hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở mà chính phủ của ông Duterte đang cổ vũ”.

Theo Hiến pháp Philippines, Phó Tổng thống được bầu lên riêng biệt. Phó Tổng thống Leni Robedo không thuộc cùng đảng phái của ông Duterte và có nhiều quan điểm bất đồng với ông.

Thượng nghị sĩ Leila de Lima hồi tháng Năm yêu cầu Thượng viện Philippines hãy xem xét bất kỳ đề nghị cho vay tiền nào từ Trung Quốc, có nguy cơ làm nợ công tăng vọt, hoặc gây phương hại tới chủ quyền của Philippines.

Đa số người dân Philippines không tin tưởng vào Trung Quốc, theo kết quả cuộc thăm dò do Social Weather Stations, tổ chức nghiên cứu Metro Manila thực hiện trong quý đầu năm 2017.

Tuy nhiên, Philippines có thể sẽ thấy các điều kiện cho vay của Trung Quốc cũng tương đương với các điều kiện cho vay của các ngân hàng tư, theo ông Christian de Guzman, Phó Chủ tịch và quan chức tín dụng cấp cao của Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s ở Singapore.

Bắc Kinh đã đưa ra những đề nghị tài trợ tương tự trên khắp vùng Âu - Á, trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” của họ, nhằm bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc, trong khi gặt hái những hợp đồng làm ăn cho các công ty Trung Quốc.

Ông De Guzman của Moody’s nhận định cuộc tranh luận liên quan tới việc mượn tiền của Trung Quốc là về những kích thước chính trị của nó. Theo ông De Guzman, đứng từ quan điểm tài chính, chi phí vay tiền từ Trung Quốc không rẻ hơn mà cũng không mắc hơn so với việc vay tiền trên thị trường.

Ông giải thích rằng lý do là vì mượn tiền của Trung Quốc thường được thực hiện qua trung gian các ngân hàng chính sách Trung Quốc. Đó không phải là một ngân hàng tư, mà là các ngân hàng do nhà nước Trung Quốc sở hữu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục