Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Cần xác định chống buôn lậu thuốc lá là nhiệm vụ trọng tâm

18:19' - 18/10/2016
BNEWS Chính quyền các địa phương cần xác định công tác chống buôn lậu thuốc lá là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung đẩy mạnh giải pháp ngăn chặn và kiểm soát hoạt động này hiệu quả hơn.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Ngày 18/10, tại Hội nghị chuyên đề về tăng cường công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu thuốc lá ở một số địa bàn trọng điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Chính quyền các địa phương cần xác định công tác chống buôn lậu thuốc lá là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung đẩy mạnh giải pháp ngăn chặn và kiểm soát hoạt động này hiệu quả hơn.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng gian, hàng giả, trong đó có buôn lậu thuốc lá.

Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu thuốc lá từ trước đến nay vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cộng đồng xã hội.

Địa phương nào để tình trạng buôn lậu thuốc lá diễn biến phức tạp và nhức nhối trong thời gian dài mà không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Về các giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, khi phát hiện những đường dây buôn lậu thuốc lá hay đầu nậu lớn, cần có sự phối hợp chỉ huy thống nhất giữa các lực lượng chức năng, thành lập chuyên án để triệt phá thành công.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý, bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân không tham gia buôn lậu thuốc lá, chính quyền địa phương phải phát huy vai trò chủ động, phối hợp với các bộ, ngành và tỉnh, thành phố lân cận, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân ổn định đời sống.

Đối với cơ chế chính sách, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, các bộ, ngành liên quan cần thống nhất để giải quyết xung đột, thống nhất quan điểm, nhận thức để lý giải rõ thuốc lá là hàng lậu, hàng cấm, hàng kinh doanh có điều kiện.

Bộ Tài chính cần nghiên cứu hỗ trợ các lực lượng kinh phí, trang thiết bị để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Mặt khác, Bộ Công Thương cần siết chặt việc quản lý thị trường kinh doanh thuốc lá bán lẻ tiêu thụ theo quy định pháp luật.

Báo cáo tại hội nghị, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), từ ngày 1/10/2014 đến 30/6/2016, lực lượng chức năng của 6 địa phương trọng điểm phía Nam (gồm Long An, Tây Ninh, An Giang, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp) đã xử lý 15.363 vụ, số lượng thuốc lá bắt giữ gồm 11.390.366 bao, khởi tố hình sự 372 vụ.

Tại khu vực phía Nam, trong những tháng gần đây, tình hình buôn lậu thuốc lá có chiều hướng gia tăng, phương thức vận chuyển thuốc lá lậu cũng thay đổi so với trước, các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi hơn, manh động và liều lĩnh.

Điển hình, trong tháng 9 vừa qua, vụ việc chủ lô thuốc lá ở tỉnh Long An đã huy động 11 người khác cùng nhiều ghe máy đuổi theo cướp lại tang vật là thuốc lá nhập lậu và đánh chết cán bộ quản lý thị trường.

Hoặc vụ xe ô tô chở đầy thuốc lá lậu gây tai nạn chết người rồi bỏ chạy tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia dự và chủ trì hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ–TTXVN

Những vụ việc này, không chỉ gây tâm lý hoang mang đối với cộng đồng xã hội, mà còn được xem là hồi chuông báo động đối với nạn buôn lậu thuốc lá đang bùng phát trở lại rất nghiêm trọng.

Cũng tại hội nghị, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho rằng, cần phải có đề án kiểm soát bán lẻ thuốc lá.

Đồng thời, cần tuyên truyền mạnh hơn nữa để người dân thấy được tác hại của thuốc lá, vì nếu giảm cầu thì cung cũng sẽ giảm, đây mới là biện pháp cơ bản nhất.

"Việc xuất thuốc lá lậu sang nước thứ 3, không cẩn thận Việt Nam sẽ trở thành nước xuất lậu", Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà lưu ý về đề xuất của tỉnh Long An.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu cho rằng nên chọn phương án tiêu hủy, vì nếu không tiêu hủy sẽ vi phạm Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Chưa kể chi phí của việc tái xuất rất lớn khi phải thu gom, giám định chất lượng, vận chuyển (việc tái xuất phải sáng nước thứ ba chứ không được đưa sang nước cùng biên giới với Việt Nam) … và chưa chắc nước nào dám nhập thuốc lá tái xuất.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng cho rằng nếu tái xuất phải kiểm định từng bao thuốc, rất tốn chi phí. Do đó chỉ tiêu hủy mới phù hợp với quy định cũng như tiết kiệm chi phí.

Cùng quan điểm trên, đại diện Bộ y tế đề nghị tiếp tục thực hiện phương án tiếp tục tiêu hủy thuốc lá bị tịch thu. Bởi khi thực hiện tái xuất thuốc lá lậu còn bất cập.

Vì lượng thuốc lá bị bắt giữ có nhiều loại sản phẩm cấp thấp, giá thành rẻ, số tiền thu được do tái xuất thấp hơn số tiền hỗ trợ tiêu hủy.

Việc tìm được thị trường tái xuất cũng là vấn đề khó khăn bởi sản phẩm thuốc lá muốn được nhập khẩu chính thức vào các nước phải đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật đối với sản phẩm thuốc lá của nước nhập khẩu.

Theo số liệu của Bộ công Thương cũng cho thấy hầu hết sản phẩm tái xuất đều không được tái xuất sang các nước có trong hợp đồng. Nên việc tái xuất không đạt hiệu quả kinh tế cũng như mục tiêu của việc tái xuất.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu tính khả thi của từng phương án.

Nếu tiêu hủy, đã thật sự tốt hay chưa? Vì trong nước tiêu hủy, nguồn thuốc lá lậu bên kia biên giới chỉ đợi chúng ta "xao nhãng" thì số lượng thuốc lá lậu tuồn qua sẽ tăng gấp đôi, nhằm bù vào số đã bị các cơ quan chức năng tiêu hủy.

"Nếu tái xuất, về mặt pháp lý có đảm bảo, có vi phạm Công ước chống buôn lậu mà Việt Nam đã ký kết, rồi có vi phạm luật pháp của nước thứ 3 khi đồng ý tái xuất mặt hàng này. Do đó, biện pháp hiện tại vẫn là tiêu hủy, riêng địa phương nào có đủ điều kiện để tái xuất phải có đề án cụ thể, đặc biệt là giám sát chặt, không để xảy ra tiêu cực" Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Cũng theo Phó Thủ tướng, nếu việc tái xuất mà vi phạm các công ước quốc tế Việt Nam tham gia thì dứt khoát không làm.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, kiến nghị: Để công tác chống buôn lậu thuốc lá đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, nên có quy chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, trong đó mỗi đơn vị được xác định nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể.

Điển hình, yêu cầu cấp thiết hiện nay trong công tác chống buôn lậu thuốc lá giữa địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh, Long An, là cơ chế trao đổi thông tin liên quan đến công tác chống buôn lậu thuốc lá cũng như phối hợp kiểm tra, giám sát những tuyến cửa ngõ đường bộ, đường sắt, đường sông...

Đồng quan điểm, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quản lý thị trường, để góp phần nâng cao công tác chống buôn lậu thuốc lá, cũng như tăng cường thực hiện Chỉ thị số 30.

Bên cạnh đó, tại các khu vực biên giới cần có giải pháp tăng cường cơ chế phối hợp giữa lực lượng Quản lý thị trường với các lực lượng công an, hải quan, bộ đội biên phòng, nhằm kiểm tra, giám sát chặt chẽ tuyến đường từ biên giới vào nội địa, địa bàn giáp ranh liên huyện, liên tỉnh, thành phố./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục