Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Quản lý xe ô tô chở khách theo hợp đồng vẫn bị buông lỏng

13:42' - 21/10/2017
BNEWS Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý III và 9 tháng năm 2017.
Xe ô tô chở khách theo hợp đồng gây tại nạn khiến nhiều hành khách thiệt mạng. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Sáng 21/10, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý III và 9 tháng năm 2017. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì Hội nghị.
15 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng trên 10%
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, 9 tháng năm 2017 (tính từ ngày 16/12/2016 đến 15/9/2017), toàn quốc xảy ra 14.346 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.113 người, bị thương 11.785 người.

So với cùng kỳ 2016, tai nạn giao thông giảm 966 vụ (6,24%), 330 người chết (5,11%) và giảm 1.810 người bị thương (13,35%). Có 43 tỉnh, thành phố có số người chết vì tai nạn giao thông giảm. Tuy nhiên, vẫn còn đến 15 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm 2016; trong đó Hậu Giang và Lai Châu số người chết vì tai nạn giao thông tăng tới trên 40%.
Tỷ lệ tai nạn giao thông ở trẻ em vẫn còn cao so với tỷ lệ bình quân thế giới và khu vực, đặc biệt là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em và nạn nhân tai nạn giao thông là trẻ em có xu hướng gia tăng trong giai đoạn 2011-2016; xảy ra 68 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 218 người chết, bị thương 201 người.
Nhận trách nhiệm để tai nạn giao thông tăng cao so với cùng kỳ, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, 9 tháng năm 2017, trên địa bàn xảy ra 72 vụ tai nạn (tăng 3 vụ so với cùng kỳ, tương ứng với 4,3%), làm chết 72 người (tăng 15 người, bằng 26,3%).

Nguyên nhân là do các tuyến quốc lộ 5 và 10 chạy qua trên địa bàn đều đang cải tạo và nâng cấp, phương tiện phải phân tuyến chạy vào nội đô. Bên cạnh đó, Hải Phòng bị áp lực gia tăng sản lượng hàng hóa qua cảng và số lượng phương tiện vận tải tăng cao.

Ước tính sản lượng hàng hóa qua cảng tăng 13-14%/năm, đạt 92 triệu tấn năm 2017. Hải Phòng là địa phương có số lượng xe container nhiều thứ 2 trong cả nước với 15.000 đầu xe.
Ngoài giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để tăng cường năng lực giao thông, giảm tai nạn, ông Nguyễn Văn Tùng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu giảm giá vé cho xe container chạy trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng để giảm tải cho quốc lộ 5 và quản lý chặt chẽ với xe container chạy trên tuyến quốc lộ 5.
Tán thành với đề xuất của Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng cần nghiên cứu giảm phí, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho phương tiện, giảm áp lực cho quốc lộ 5.
Từ thực tế các vụ tai nạn tai nạn thảm khốc xảy ra liên quan đến xe khách trong thời gian qua, đặc biệt là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại huyện Chư Sê giữa hai xe khách làm 13 người chết, 32 người bị thương, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Gia Lai Nguyễn Hữu Quế đề nghị cần siết chặt việc kinh doanh vận tải hành khách.

Trong một tháng, lái xe bị phát hiện vi phạm tốc độ 5 lần phải bị thu hồi phương tiện. Ông Nguyễn Hữu Quế cho rằng, trong quá trình phương tiện lưu thông, các hành vi của người điều khiển như nghe điện thoại, buồn ngủ không giám sát được…, cơ quan chức năng cần chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải gắn thiết bị trên xe khách, xe tải để quan sát, xử lý kịp thời.
Các vụ tai nạn xảy ra phần lớn do ý thức của người lái xe nhưng không xử lý được đối tượng này, vi phạm ở doanh nghiệp này, lái xe lại sang đơn vị khác làm việc, chủ xe thường có tâm lý chiều lái xe. Do vậy, bên cạnh việc đình chỉ hoạt động của phương tiện gây tai nạn, cần có cách xử lý với lái xe gây tai nạn để lái xe không chạy sang doanh nghiệp khác, ông Quế đề xuất.
Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đặt vấn đề: có tình trạng ép tài hay không, xem xét ý thức chấp hành của người lái xe và sửa Nghị định 36 về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị sao cho chặt chẽ.
Ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, tình hình ùn tắc giao thông có diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng, nhất là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đầu năm đến giữa tháng 9/2017, hai địa phương này xảy ra 54 vụ ùn tắc giao thông kéo dài, tăng 29 vụ so với cùng kỳ năm 2016.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, với tốc độ tăng dân số 1,9%/năm, mỗi năm Hà Nội tăng cơ học gần 20 vạn người, tương đương với một quận nên áp lực giao thông đô thị luôn là vấn đề phức tạp với thành phố hàng ngày, xử lý ùn tắc rất vất vả.
Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng ùn tắc như sắp xếp điều chỉnh các tuyến vận tải hành khách, hướng dẫn phân luồng giao thông, triển khai các điểm đỗ xe iParking tại các quận nội thành, đỗ xe ngày chẵn, ngày lẻ trên các tuyến đường, trực 3 ca với 17 trạm. Hà Nội cũng đã triển khai các phương án phục vụ Hội nghị APEC.
Lãnh đạo thành phố kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, hoàn chỉnh Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải của Uber, Grab.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, bản thân các hãng taxi truyền thống phải ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh, không thể dùng quyền lực hành chính để ra quyết định hạn chế Uber, Grab.
Liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Hội nghị APEC, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, Cục đã triển khai tập huấn cho cán bộ, chiến sỹ, kiểm tra kỹ thuật phương tiện sẵn sàng phục vụ công tác đưa đón, dẫn đoàn trong dịp diễn ra hội nghị, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các đoàn đại biểu.
Nói về tình trạng ùn ứ giao thông, đại diện Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hai khu vực cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên xảy ra ùn ứ, gây bức xúc trong dư luận. Thành phố đã thành lập 2 tổ công tác liên ngành để giải quyết tình trạng này.

Thành phố cũng áp dụng một số giải pháp mới nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông như lập barie di động, lắp dải phân cách di động, ứng dụng công nghệ trong quản lý trật tự giao thông để cung cấp thông tin giao thông trực tuyến cho người dân, tương tác với người dân trong tiếp nhận, phản ánh tình hình giao thông, sắp xếp nơi buôn bán hợp lý…
Khắc phục triệt để những ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn giao thông
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương những kết quả đạt được trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là 3 địa phương giảm trên 35% số người chết do tai nạn giao thông gồm Cà Mau, Cao Bằng, Quảng Ninh.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chỉ rõ Chủ tịch UBND kiêm trưởng Ban An toàn giao thông 15 tỉnh, thành phố có số người chết vì tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2016 cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đối với nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Các giải pháp quản lý, sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân gắn với phát triển vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn còn triển khai chậm, chưa có giải pháp căn cơ và duy trì hiệu quả lập lại trật tự đô thị.

Một số nơi còn tình trạng cấp ủy, đứng đầu chính quyền địa phương, đơn vị chức năng chưa sâu sát, thiếu quyết liệt, để tồn tại hiện tượng buông lỏng trong quản lý nhà nước và thực thi pháp luật, dung túng vi phạm, tiêu cực, làm trái quy định, đặc biệt là trong kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý xe ô tô chở khách theo hợp đồng, bến bãi đường bộ, bến thuỷ nội địa không phép, hành lang an toàn giao thông...
Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tai nạn giao thông do Liên hiệp quốc phát động.

Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông trên hệ thống đường quốc lộ; phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố xây dựng đường gom, dứt điểm xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt; khắc phục triệt để những ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn giao thông của công tác quản lý, vận hành, thu phí và tổ chức giao thông của các dự án BOT.

Hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý an toàn giao thông của các đơn vị kinh doanh vận tải và xử lý nghiêm vi phạm, tước giấy phép những đơn vị vi phạm gây tai nạn giao thông nghiêm trọng; bổ sung quy định nâng tiêu chuẩn được nâng hạng giấy phép và siết chặt quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép cho lái xe khách, xe tải, xe chở container.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Bộ Công an tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch phục vụ các hoạt động của Tuần lễ cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông.

Đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả công tác quản lý biển số xe ô tô, xe mô tô và công tác quản lý giấy phép lái xe bị tạm giữ, tước quyền sử dụng…
Các địa phương chỉ đạo duy trì kiểm soát tải trọng phương tiện, sớm chấm dứt xe quá tải hoạt động; xử lý nghiêm, ngăn chặn và chấm dứt việc khai thác cát sỏi trái phép trên các tuyến sông.

Thủ trưởng bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần thực hiện cho được mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông từ 5-10% của năm nay so với năm 2016./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục