Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Không thoái vốn bất cứ giá nào với DN làm ăn hiệu quả

21:00' - 13/11/2015
BNEWS Phó Thủ tướng nêu rõ, trong khi thị trường chưa phục hồi trở lại, với những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, còn có cơ hội thì cần lập lộ trình thoái vốn, không nhất thiết phải thoái bằng bất cứ giá nào
Trong ảnh: Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: An Đăng – TTXVN

Số vốn các tập đoàn, tổng công ty còn phải thoái khỏi các lĩnh vực: bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng từ nay đến cuối năm vẫn còn khoảng 60% tổng số vốn phải thoái.

Nguyên nhân chậm tiến độ, những khó khăn vướng mắc đã được các Bộ, ngành, địa phương nêu ra tại Hội nghị đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước năm 2015, chiều 13/11. Hội nghị do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp chủ trì.

Cổ phần hóa chậm tiến độ

Trong 10 tháng qua, cả nước đã có 175 doanh nghiệp được sắp xếp, trong đó, 159 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa; 16 doanh nghiệp thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác.

Tính chung từ năm 2011 đến ngày 10/11/2015 cả nước đã sắp xếp được 471 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 408 doanh nghiệp và sắp xếp theo các hình thức khác 63 doanh nghiệp.

Nếu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa đã được phê duyệt, dự kiến năm 2015 sẽ cổ phần hóa được khoảng 210 doanh nghiệp.

Như vậy, số doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015 sẽ là 459 doanh nghiệp, đạt 90% kế hoạch. Cũng trong 10 tháng năm 2015, cả nước thoái được trên 9.152 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về trên 13.760 tỷ đồng, bằng 1,5 lần giá trị sổ sách.

Lũy kế từ năm 2012 đến cuối tháng 10/2015, cả nước thoái được 16.450 tỷ đồng, thu về 22.870 tỷ đồng. có 93 doanh nghiệp cổ phần hóa bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng với tổng số luợng cổ phần chào bán trên 836 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 8.000 tỷ đồng, số cố phiểu bán được đạt 38% tổng số lượng cổ phần chào bán.

Hội nghị trực tuyến “Đẩy mạnh tái cơ cấu Doanh nghiệp nhà nước năm 2015”

Khó khăn trong xử lý công nợ

Nguyên nhân chậm tiến độ, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được xác định là do một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa thật sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện phương án đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó là những biến động của thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế thời gian qua và khó khăn của kinh tế trong nước đã tác động đến thị trường tài cính, chứng khoán và việc bán cổ phẩn, thoái vốn nhà nước.

Nhiều doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn hiện nay có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, tình hình tài chính phức tạp, việc xử lý công nợ, xử lý tài chính, phương án sử dụng đất trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa…

Tỉnh Nam Định hiện có 5 doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa trong đó có 3 Công ty trách nhiệm hữu hạn môi trường, trách nhiệm hữu hạn đô thị và kinh doanh nước sạch mới đang triển khai xác định giá trị doanh nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh này cho biết khó khăn đối với 3 đơn vị này là các nguồn tài sản không đưa vào giá trị để tính phần vốn nhà nước cổ phần hóa bởi một số tài sản hình thành từ nguồn sự nghiệp từ trước.

Do khó khăn này nên việc xác định giá trị doanh nghiệp, đặc biệt là phần đưa vào phần vốn nhà nước đang có vướng mắc chưa có cách tháo gỡ. Còn hai doanh nghiệp khác tỉnh vẫn đang đôn đốc triển khai.

Nhận khuyết điểm trước Phó Thủ tướng trong việc chậm sắp xếp, bố trí lại công ty nông lâm trường quốc doanh, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết quá trình bố trí sắp xếp công việc theo Luật đất đai mới, phân công giữa các Sở Tài chính và Tài nguyên chậm lại làm ảnh hưởng đến kế hoạch chung, thành phố đã rút kinh nghiệm chỉ đạo.

Thời gian qua, thành phố đã có 4 cuộc họp để giải quyết phương án sắp xếp, bố trí lại công ty nông lâm trường quốc doanh nhưng còn vướng quy hoạch và liên quan đến quá trình sử dụng đất của một số đơn vị, thành phố đã gỡ khó cho từng đơn vị, trong tháng 11/2015 sẽ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt phương án.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển, Bộ này đã phê duyệt được phương án cổ phần hóa 4 công ty. Khó khăn đối với các doanh nghiệp này là khi xác định giá trị doanh nghiệp phải xem xét đối chiếu công nợ.

Thoái vốn phải có lộ trình

Nhìn lại kết qủa 11 tháng tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng về cơ bản các cơ chế chính sách liên quan trực tiếp đến việc sắp xếp đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp đã được sửa đổi, những vướng mắc lớn đã được xử lý, vấn đề còn lại là sự quyết tâm của các Bộ, ngành, địa phương.

Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, trong khi đó, còn phải sắp xếp 241 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa còn tới 106 doanh nghiệp. Qua rà soát, khả năng có thể cổ phần được 51 doanh nghiệp.

Nếu thực sự quyết tâm triển khai được 51 doanh nghiệp này, cuối năm 2015 có thể đạt trên 90% tổng số doanh nghiệp phải sắp xếp, cổ phần hóa. Theo Phó Thủ tướng, tỷ lệ 90% là có thể chấp nhận được.

Sở dĩ không đặt vấn đề cổ phần hóa toàn bộ 106 doanh nghiệp bởi đưa lên thị trường là phải bán được, hàng hóa cung vượt cầu sẽ phát sinh khó khăn. Với 80 doanh nghiệp lẽ ra phải cổ phần hóa trong 2015 nhưng hiện mới đang xác định giá trị doanh nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần vào đầu năm 2016.

Về thoái vốn nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng bước đầu đã đạt yêu cầu. Kế hoạch thoái vốn đã đặt ra trong năm nay nhưng Chính phủ đã thảo luận và Thủ tướng đã có ý kiến thoái vốn phải có lộ trình, rút lui có trật tự, không để thất thoát vốn của nhà nước.

Những đơn vị nào, khoản vốn nào đầu tư vào doanh nghiệp khác càng để càng lỗ, không thể xử lý được phải bán càng nhanh, càng tốt.

Phó Thủ tướng nêu rõ, trong khi thị trường chưa phục hồi trở lại, với những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, còn có cơ hội thì cần lập lộ trình thoái vốn, không nhất thiết phải thoái bằng bất cứ giá nào.

Đối với việc bàn giao cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương xem xét những đơn vị đã có quyết định của Thủ tướng Chính phủ phải tiến hành bàn giao ngay, đồng thời tiếp tục rà soát, kể cả đơn vị đã cổ phần hóa, nhưng trước mắt Thủ tướng yêu cầu chưa bàn giao cũng phải quyết toán, xem xét dần, có lộ trình để bàn giao.

Phó Thủ tướng đề nghị tiền bán cổ phần vốn nhà nước theo quy định phải nộp về Tập đoàn hoặc Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, nơi đang giữ hộ Chính phủ.

Chính phủ đồng ý bổ sung vốn cho địa phương sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, nhưng địa phương phải có lộ trình và phương án cụ thể để các Bộ phê duyệt, thẩm định cấp vốn.

Phó Thủ tướng đề nghị các Tập đoàn, Tổng công ty và các doanh nghiệp xem xét quá trình cổ phần hóa liên quan đến các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Hiện đa số đơn vị đề nghị được chuyển giao về Bộ nhưng cũng có đơn vị đề nghị cho giữ nguyên.

Theo quy định hiện nay, phải đẩy mạnh việc tự chủ, chuyển đơn vị sự nghiệp công lập này thành công ty cổ phần.

Các Bộ khi tách đơn vị sự nghiệp công lập về phải lập tức lập phương án để đẩy mạnh tự chủ trên tinh thần ngân sách không cấp bổ sung vốn mà phải chuyển sang hoạt động tự chủ theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Nếu có điều kiện có thể chuyển sang công ty cổ phần theo Quyết định 22/2015/QĐ-TTg về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Về sắp xếp nông lâm trường, nay là Công ty nông lâm nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các địa phương cần sớm hoàn thiện phương án tổng thể, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đây là vấn đề rất khó vì liên quan đến đất đai, người dân nhưng vẫn phải triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai, có vướng mắc, cần báo cáo kịp thời để giải quyết.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và lập phương án tiếp tục sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp, công ty nông, lâm nghiệp cho kế hoạch 2016 - 2020.

Trước mắt, trong quý I/2016 giải quyết các công việc còn tồn đọng của giai đoạn trước và phải phê duyệt được phương án sắp xếp đổi mới để bắt tay vào thực hiện ngay trong quý II/2016./.

Chu Thanh Vân/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục