Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Thống nhất phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2017

20:36' - 07/09/2016
BNEWS Mức tăng trung bình 7,3% của lương tối thiểu vùng cho người lao động trong doanh nghiệp vào năm 2017 đã được sự đồng thuận của các bên cao nhất từ trước tới nay.
Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2017 đạt được sự đồng thuận của các bên cao nhất từ trước tới nay. Ảnh: Trần Lê Lâm-TTXVN

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa thống nhất với đề nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2017 tăng từ 180.000 – 250.000 đồng so với năm 2016, tương đương từ 7,1% - 7,5%, bình quân là 7,3%. Trong đó, vùng I và II có mức tăng 7,1%, vùng III tăng 7,4% và vùng IV tăng 7,5%.

Quyết định trên của Phó Thủ tướng được đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, cho ý kiến về phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng chiều 7/9.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2017 là cần thiết. Tiền lương này cơ bản được tiếp cận theo nguyên tắc thị trường.

Mức tăng trung bình 7,3% của lương tối thiểu vùng cho người lao động trong doanh nghiệp vào năm 2017 đã được sự đồng thuận của các bên cao nhất từ trước tới nay. Bộ đang dự thảo Nghị định lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng thực hiện phương án trên sẽ bảo đảm được tiền lương thực tế cho người lao động, cải thiện theo mức tăng năng suất lao động khoảng 2 – 2,5% để tiến tới lộ trình bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người lao động.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thống nhất với đề nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia về mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2017. Ảnh minh họa: TTXVN

Phương án trên cũng tính đến điều kiện việc làm, thất nghiệp, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh năm 2016 – 2017 thực hiện Luật bảo hiểm xã hội là đóng bảo hiểm xã hội trên cả mức lương và phụ cấp lương; mức độ ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp vừa phải, góp phần từng bước bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Khó khăn, thách thức được Thứ trưởng đưa ra, đó là chi phí của doanh nghiệp tăng cao khi vừa phải điều chỉnh tiền lương cho người lao động, vừa điều chỉnh tăng phần đóng bảo hiểm xã hội. Hiện tổng mức đóng bảo hiểm xã hội là 32,5% tiền lương, trong đó chủ sử dụng lao động phải chi trả 22%.

Nhiều chủ sử dụng lao động cho rằng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội là quá cao, cần điều chỉnh giảm xuống còn 18%. Ông Phạm Minh Huân cho biết Hội đồng tiền lương quốc gia đã tính toán xin giảm tỷ lệ đóng góp một số chi phí bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công chỉ đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn tất quá trình thẩm định lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp về phương án mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ký ban hành trong tháng 9/2016.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất bổ sung, sửa đổi các căn cứ xác định mức tiền lương tối thiểu vùng trong Bộ Luật lao động sửa đổi, phù hợp với thực tế; tăng cường giải pháp cung cấp thông tin thị trường lao động để đảm bảo đồng thuận xã hội trong thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng hàng năm.

Ngoài nhu cầu mức sống tối thiểu phải tính đến một số yếu tố như quan hệ giữa tăng năng suất lao động với tốc độ tăng tiền lương, các yếu tố về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục