Phố Wall "đỏ sàn" trong tuần giao dịch ảm đạm

15:22' - 26/09/2015
BNEWS Những lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và sự thiếu chắc chắn về chinh sách tiền tệ của Mỹ đè nặng lên Phố Wall

 Bất chấp các tín hiệu lạc quan từ kinh tế Mỹ, tuần vừa qua chứng kiến chuỗi ngày giao dịch ảm đạm của thị trường chứng khoán Phố Wall, do những quan ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu gia tăng và giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp lớn rớt mạnh.

Phố Wall đỏ sàn phiên cuối tuần. Ảnh: Reuters

Điểm sáng lớn nhất của tuần giao dịch này là phiên đầu tuần (ngày 21/9), khi cả ba chỉ số đồng loạt đi lên. Tuy nhiên, đà tăng này đã nhanh chóng bị chặn lại trong phiên sau đó bởi các số liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc và tình hình giá hàng hóa giảm. Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2015, từ mức 7,2% xuống 6,8%. Thêm vào đó, vụ bê bối do bị phát hiện gian lận khí thải của hãng sản xuất ô tô VolksWagens (Đức) cũng khiến nhóm cổ phiếu thuộc ngành công nghiệp ô tô mất giá. 

Mặc dù biên độ giảm đã được thu hẹp phần nào trong phiên giao dịch ngày 23/9, song "sắc đỏ" vẫn không rời khỏi thị trường chứng khoán Mỹ, do các cổ phiếu nhóm dầu khí trượt giá mạnh sau báo cáo cho biết hoạt động công nghiệp tại Trung Quốc trong tháng Chín giảm xuống mức thấp nhất trong hơn sáu năm qua. 

Sau khi trải qua phiên giảm điểm thứ ba liên tiếp vào ngày 24/9, giữa bối cảnh thị trường vừa nhận một loạt báo cáo trái chiều từ nền kinh tế lớn nhất thế giới, Phố Wall lại trồi sụt bất nhất phiên cuối tuần. Cả ba chỉ số chứng khoán chủ lực của Mỹ đều mở cửa phiên giao dịch 25/9 với mức tăng, nhờ bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen về lạm phát và chính sách tiền tệ trong ngày 24/9, một tuần sau khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất. Trong bài phát biểu này, bà Yellen nói rằng Fed có thể bắt đầu nâng lãi suất vào cuối năm nay và tình trạng yếu kém của kinh tế toàn cầu là không đủ để làm thay đổi kế hoạch này. 

Tuy nhiên, xu hướng tăng điểm không duy trì được tới cuối phiên, do đà sụt giảm của nhóm cổ phiếu ngành công nghệ và công nghệ sinh học. Trong khi đó, những lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và sự thiếu chắc chắn về chinh sách tiền tệ của Mỹ cũng đè nặng lên thị trường cổ phiếu trong phiên này. Ngoài ra, hiện giới đầu tư còn đang "đau đầu" khi những tranh cãi giữa các nhà lập pháp thuộc hai đảng phái ở Mỹ về ngân sách tài khóa 2016 đã buộc Nhà Trắng phải có kế hoạch chuẩn bị cho kịch bản đóng cửa, nhất là sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner đã phát biểu trong một cuộc họp kín ngày 25/9 rằng ông sẽ từ chức vào cuối tháng 10 tới. Sự ra đi của ông Boehner sẽ làm dấy lên cuộc chiến nhằm giành quyền kiểm soát Hạ viện trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị tiến hành cuộc bầu cử tổng thống, dự kiến diễn ra vào tháng 11/2016. Những thông tin này đã làm "lu mờ" báo cáo mới nhất từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy nền kinh tế số 1 thế giới đạt mức tăng trưởng 3,9% trong quý II/2015, cao hơn mức dự báo tăng 3,7%. Số liệu tích cực này càng chứng tỏ nền kinh tế Mỹ đã thực sự phục hồi sau khi đình trệ trong quý I, đồng thời củng cố thêm lòng tin của thị trường vào lời phát biểu của Chủ tịch Fed về khả năng nâng lãi suất vào cuối năm nay. 

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 25/9, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 113,35 điểm (0,70%) lên 16.314,67, chủ yếu nhờ báo cáo lợi nhuận vượt kỳ vọng của Nike, nhà sản xuất thiết bị và đồ dùng thể thao. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 hạ nhẹ 0,9 điểm (0,05%), xuống 1.931,34 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 47,98 điểm (1,01%), xuống 4.686,50 điểm. 

Tính chung cả tuần qua, chỉ số Nasdaq mất 2,92%, chỉ số S&P 500 hạ 1,37% và Dow Jones giảm 0,43%. 

Minh Trang (Tổng hợp) 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục