Phụ gia thực phẩm trôi nổi: Trách nhiệm thuộc về ai?

05:16' - 23/05/2016
BNEWS Liên tục trong thời gian qua, hàng loạt vụ việc liên quan đến sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thậm chí cả trong rau xanh, giá đỗ và bimbim cho trẻ nhỏ bị phanh phui.
Mẫu măng tươi có chứa chất cấm vàng ô, thu được từ các quầy bán măng. Ảnh: Phan Quân-TTXVN

Hóa chất, chất cấm, phụ gia thực phẩm… là những từ không còn xa lạ khi được nhắc đến.

Liên tục trong thời gian qua, hàng loạt vụ việc liên quan đến sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thậm chí cả trong rau xanh, giá đỗ và bimbim cho trẻ nhỏ bị phanh phui.

Dư luận đặt ra câu hỏi, trách nhiệm các cơ quan quản lý ở đâu khi để xảy ra tình trạng sử dụng phụ gia trong thực phẩm ngày càng tràn lan đến như vậy?

Tìm hiểu các cửa hàng kinh doanh hóa chất tại khu vực đường Nguyễn Khuyến (Hà Nội) cho thấy, nhiều túi bột hóa chất xanh, đỏ, tím, vàng đủ màu sắc… được bày bán công khai và bọc trong những bao nilon lớn.

Khi được hỏi về nguồn gốc của những túi hóa chất này, các chủ hàng tại đây cho biết, hóa chất được mua từ các doanh nghiệp sản xuất uy tín, nên không lo; hóa chất và các loại bột này dùng trong tẩy rửa, khử mùi....

Nhưng qua quan sát trên các túi nilon này, tuyệt nhiên không có tên hóa chất, nguồn gốc sản xuất ở đâu, sử dụng với hàm lượng bao nhiêu, hay dùng trong lĩnh vực gì…

Còn tại khu vực phố Hàng Bông, chợ Đồng Xuân (Hà Nội), hàng loạt những chai nhựa đựng siro, tinh dầu hoa quả với đủ các mùi vị, hương thơm khác nhau như dâu tây, táo, cam, khoai môn… cũng được bày bán tràn lan.

Chủ hàng tiết lộ, những loại siro, tinh dầu này chuyên dùng để pha đồ uống, chỉ cần thêm một lượng nhỏ, cốc nước hoa quả sẽ có hương vị thơm ngon hơn hẳn.

Các loại hóa chất, phụ gia hay tinh dầu có giá bán khá rẻ, chỉ từ vài chục nghìn đến 200.000 đồng.

Đơn cử như tinh chất cà phê, dâu, táo… có giá dao động quanh 150.000 đồng/chai; bột tẩy bóng, khử mùi nhựa, trắng A giá từ 70.000 đồng – 200.000 đồng/túi.

Việc các loại hóa chất được mua - bán khá dễ dàng và tình trạng thực phẩm nhiễm “độc” hóa chất đang là nỗi lo của người dân.

Hóa chất được chia sẵn và đựng trong túi nilon không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Xuân Triệu-TTXVN

Giống như bao bà nội chợ khác, chị Nguyễn Thu Trang (Bạch Mai – Hà Nội) hàng ngày phải chợ mua thức ăn nhưng câu hỏi đơn giản mà khó trả lời nhất đối với chị mỗi ngày luôn là ăn món gì để tránh bị “đầu độc” ?

Theo chị Trang, nhà ngay sát chợ, đồ ăn thức uống gì cũng tiện. Nhưng nhìn đâu cũng thấy sợ, vì nghĩ đến hóa chất, từ gà, lợn, bò, rau, đến giá đỗ...

Chị chỉ lo cho các cháu nhỏ ở nhà, nếu không may ăn phải đồ ăn sử dụng hóa chất ngâm, tẩy, với sức đề kháng kém sẽ ảnh hưởng đến nội tạng thậm chí bị ung thư…

Vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc cơ sở thịt bò sử dụng hóa chất để ngâm tẩm thịt bò thối, hỏng, trở thành thịt bò tươi mới; cơ sở cung cấp hàng trăm kg mực ôi thiu mỗi ngày trở thành mực trắng và tươi tại Tây Hồ, Hà Nội; sản xuất thạch rau câu “đội lốt” xưởng gạch.

Gần đây nhất, đối với sản phẩm bimbim được trẻ nhỏ yêu thích, Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội cũng đã phát hiện hơn 6 tấn phụ gia sản xuất bimbim đang vận chuyển về các khu công nghiệp.

Các chủ hàng thừa nhận, đây đều là các phụ gia không rõ nguồn gốc được thu mua trên thị trường, sau đó bán lại cho các cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn trên địa bàn Thủ đô.

Theo ông Bùi Văn Nhất, Đội quản lý thị trường số 11 - Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội, thời gian qua, đơn vị đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm về sử dụng hóa chất, phụ gia trong thực phẩm.

Chủ yếu các phụ gia hóa chất này từ Trung Quốc vào và qua nhiều con đường khác nhau.

Bà Phạm Thị Ngọc, nguyên Phó Chánh thanh tra Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay, nếu sử dụng các phụ gia thực phẩm trôi nổi, hết thời hạn để sản xuất thực phẩm thì về lâu dài, các kim loại nặng trong hóa chất rất có thể khiến người sử dụng mắc các bệnh mãn tính, sỏi thận, thậm chí ung thư…

Rõ ràng, chưa bao giờ vấn đề an toàn thực phẩm và quản lý sử dụng hóa chất, phụ gia trong thực phẩm “nóng” như hiện nay.

Bộ luật Hình sự năm 2015 vừa được ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, đã sửa đổi những quy định bất cập trước đây.

Cụ thể, Luật quy định rất chi tiết về tội “Vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”.

Chỉ cần có hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hay sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm sẽ bị phạt tù ít nhất từ 2-5 năm, thậm chí tới 20 năm tù.

Điều này phần nào sẽ giúp cơ quan chức năng có được công cụ mạnh hơn trong việc xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, có hại cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, cần có giải pháp quyết liệt và sự ra quân mạnh mẽ, đồng bộ từ phía các cơ quan chức năng khi thanh kiểm tra các cửa hàng kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm, bởi hóa chất, phụ gia là ngành hàng khá đặc thù, không phải ai cũng biết về công dụng, cách dùng cũng như những tác hại phụ của nó.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, riêng với các lĩnh vực lớn như hóa chất và an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương đã yêu cầu Cục Hóa chất, Vụ Pháp chế rà soát khung khổ pháp lý, xem xét mức độ sao cho không để ảnh hưởng đến đời sống và tính mạng của người dân.

Bộ cũng sẽ tiến hành rà soát lại chức năng, cơ chế quản lý, "xốc" lại bộ máy và tổ chức phân cấp thực hiện ở các địa phương về vấn đề này.

Về phía Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, theo ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng Giám đốc, việc kiểm soát kinh doanh hoá chất của Tập đoàn mặc dù chủ yếu là các hoá chất công nghiệp nhưng luôn được đảm bảo, kiểm tra, kiểm soát kỹ.

Tập đoàn cũng luôn quán triệt tới các doanh nghiệp thành viên là hoá chất đưa tới các doanh nghiệp phải là hàng "chính hãng" và đảm bảo chất lượng, an toàn, nguồn gốc xuất xứ để sử dụng.

Ông Chuyên cũng nhận định, hầu hết các loại hoá chất bày bán ở các chợ, các tuyến phố như phản ánh của báo chí vừa qua, chủ yếu là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Vấn đề này, cần sự vào cuộc mạnh hơn nữa từ phía cơ quan chức năng để dẹp bỏ sự mất an toàn trong kinh doanh hoá chất như hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục