Phú Yên khó kiểm soát tôm hùm giống

11:30' - 24/04/2018
BNEWS Phú Yên là một trong những địa phương phát triển mạnh nghề nuôi tôm hùm với sản lượng tôm hùm thương phẩm hàng năm chỉ đứng sau tỉnh Khánh Hòa.
 Những con tôm hùm thương phẩm trọng lượng từ 0,7- 0,8 kg sau hơn một năm nuôi. Ảnh: Thế Lập – TTXVN

Tuy nhiên, do việc quản lý không chặt chẽ nên những năm qua người dân thả nuôi với mật độ dày, diện tích nuôi vượt khỏi quy hoạch dẫn đến ô nhiễm môi trường, dịch bệnh nên sản lượng tôm lại giảm. Đây là một trong những nguyên nhân của tình trạng không kiểm soát được nguồn tôm giống.
Thị xã Sông Cầu là vùng nuôi tôm hùm lớn nhất của tỉnh Phú Yên với nhu cầu con giống của người dân mỗi năm lên đến vài triệu con. Đến nay, tôm hùm giống chưa thể sản xuất nhân tạo.

Người nuôi tôm hùm trước đây chủ yếu dựa vào nguồn tôm tự nhiên do ngư dân tìm bắt để ương nuôi nhưng gần đây, người nuôi lại chuyển sang giống tôm nhập ngoại có nguồn gốc từ Philippines, Malaysia và Indonesia.


Một bè nuôi tôm hùm với gần 50 lồng nuôi khoảng 3.000 con từ 3 - 10 tháng tuổi của hộ anh Lê Minh Khang trong Vịnh Xuân Đài. Ảnh: Thế Lập – TTXVN

Ông Nguyễn Văn Oanh, người nuôi tôm hùm ở xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu cho biết, người dân nuôi cả tôm Việt Nam và tôm nhập từ Philippines về. Mặc dù tôm nhập ngoại giá có đắt hơn nhưng người nuôi tôm ở thị xã Sông Cầu “chuộng” vì tôm từ Philippines nuôi nhanh lớn. Thấy thương lái nhập về, bán ở bên đường nên người dân tự mua nuôi, chứ không biết đã qua kiểm dịch hay chưa.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, người mua bán tôm hùm giống ở xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, trước đây giá tôm giống khai thác trong tự nhiên giá rất cao.

Bây giờ nguồn thu nhập từ tôm giống tự bắt giá đã thấp lại rất ít bởi người nuôi đều chuyển sang nuôi tôm nhập ở Philippines. Tôm giống từ Philippines giá 60 nghìn đồng/con còn tôm giống ở đây chỉ 40 nghìn đồng/con và nuôi nhanh lớn.
Việc chọn giống tôm bắt trong nước hay nhập ngoại tùy thuộc vào lựa chọn mỗi hộ nuôi và xuất phát từ cảm tính chứ không theo bất kỳ một căn cứ nào. Tuy vậy, khi có dịch bệnh hay rủi ro môi trường thì dẫu có nuôi bằng “giống nội” hay “giống ngoại” tôm vẫn cứ chết.
Thống kê cho thấy, chỉ riêng năm 2017 người nuôi tôm hùm ở Phú Yên mất trắng vài trăm tỷ đồng do xảy ra 2 đợt dịch bệnh và ảnh hưởng cơn bão số 12; sản lượng tôm hùm thương phẩm chỉ đạt 500 tấn, giảm khoảng 150 tấn so với những năm trước.
Bà Nguyễn Thị Hồng, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu thì lý giải thêm, tôm giống đi bằng máy bay, qua cửa khẩu rồi về đây. Tôm nhỏ chỉ bằng sợi tóc nên ở trong nước thì làm sao kiểm dịch bệnh gì được. Chừng nào tôm nuôi lớn, có sự cố gì thì cơ quan chức năng mới kiểm tra.
Chính quyền địa phương cũng không thể kiểm soát nổi vì lượng giống du nhập về rất lớn. Việc người dân tự mua giống, tự thả nuôi đã làm gia tăng số lượng lồng bè và từ đó dẫn đến phá vỡ quy hoạch.


Tôm hùm thương phẩm. Ảnh: Thế Lập – TTXVN

Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết, hầu hết tôm hùm giống đều là giống nhập từ Philippines, Malaysia và Indonesia thông qua kênh giám sát, quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Với lượng giống du nhập về rất lớn, ở góc độ địa phương thì không thể kiểm soát, quản lý được. Điều này gia tăng áp lực rất lớn về số lượng lồng bè.
Theo ông Trần Đình Luân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, việc chọn con giống nhập phải có nguồn gốc rõ ràng và mua tại những cơ sở tuân thủ đúng quy định kiểm dịch của Nhà nước.
Ngoài ra, khi mua giống, hộ nuôi phải yêu cầu cơ sở kinh doanh chứng minh được chất lượng tôm. Một điều căn cơ để tránh mua tôm giống kém chất lượng là phải tổ chức lại sản xuất.

Trong các khu nuôi cần liên kết lại thành các tổ hợp tác từ đó, liên kết với những nơi cung cấp nguồn giống tôm chất lượng. Bên cạnh đó là việc thả nuôi rải vụ, tránh nuôi đồng loạt, thả đồng loạt.
Đây vừa là những khuyến cáo của Tổng cục Thủy sản đối với người nuôi tôm hùm về việc chọn lựa giống đồng thời là sự gợi mở để các địa phương của tỉnh Phú Yên kiểm soát tốt hơn nguồn giống đầu vào, hướng tới phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững.
Theo quyết định Quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2020 tỉnh Phú Yên đạt sản lượng 950 tấn tôm hùm thương phẩm./.

>>> Giá tôm hùm tăng mạnh nhưng không có để bán

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục