PTT Trịnh Đình Dũng: Quản lý kém, hạ tầng phát triển cũng không theo kịp nhu cầu

14:04' - 06/01/2017
BNEWS Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định nếu quản lý kém thì hạ tầng có phát triển cũng không chạy theo kịp để đáp ứng nhu cầu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2017 của Bộ Xây dựng tổ chức ngày 6/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định nếu quản lý kém thì hạ tầng có phát triển cũng không chạy theo kịp để đáp ứng nhu cầu.
Hai đô thị lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được chỉ ra là 2 địa phương quản lý việc xây dựng theo quy hoạch đô thị chưa tốt. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, vấn nạn ùn tắc giao thông ở 2 thành phố lớn nhất cả nước này không thể chỉ giải quyết bằng việc tăng đầu tư hạ tầng.
Theo phân tích của Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng, không phải chỉ đầu tư hạ tầng, tổ chức giao thông tốt là có thể tháo gỡ được vì càng đầu tư tốt vào 2 đô thị này thì sự thu hút với người dân nơi khác càng cao, người dân kéo về tìm kiếm cơ hội việc làm càng lớn. Và như thế, theo Phó Thủ tướng, không bao giờ hạ tầng có thể “chạy theo” để giải quyết được đủ nhu cầu.

Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cần gắn chặt quy hoạch đô thị với việc thực hiện theo kế hoạch để tránh tình trạng thành phố "lem nhem" vì ở nhiều nơi, việc tuân thủ quy hoạch chưa tốt. Những đô thị nhỏ thì việc quản lý xây dựng theo quy hoạch lại tốt hơn những đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Hệ quả rõ nhất là vấn nạn ùn tắc giao thông đang gây bức bối.
"Muốn giải quyết triệt để vấn đề ùn tắc, quá tải tại 2 thành phố lớn nhất cả nước, cần phải thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia các đô thị, các trung tâm để kéo giãn bớt dân. Theo đó, việc đầu tư các đô thị vệ tinh, kết nối giao thông công cộng tốt là rất quan trọng", Phó Thủ tướng nói.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận, thực hiện quy hoạch là khâu yếu nhất, khiến việc xây dựng không được như quy hoạch.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN.

Năm 2017, Bộ Xây dựng tiếp tục coi việc xây dựng thể chế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và với mọi lĩnh vực. Ngành xây dựng có đặc thù nhất định vì liên quan an toàn công trình, liên quan tính mạng người dân, đến tài sản xã hội, việc sử dụng vốn nhà nước, chống thất thoát, tiêu cực, tham nhũng. Do đó, ngành xây dựng phải tính toán cụ thể cả khâu tiền kiểm lẫn hậu kiểm vì có khi hậu kiểm thì đã sụp đổ công trình, đã mất mạng, đã gây thiệt hại rồi.
Cùng đó, Bộ xác định phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng với mọi tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong xã hội nhưng cũng phải phát huy vai trò quản lý nhà nước.
Trong năm 2016, dù gặp nhiều bất lợi, cả nước phải gánh chịu thiên tai nặng nề, hạn mặn, lũ lụt diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề nhưng ngành xây dựng vẫn đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế xã hội. Tổng đầu tư xã hội năm 2016 khoảng 1,4 triệu tỷ đồng; trong đó, đầu tư xây dựng chiếm tỷ trọng rất lớn, gần 80%. Ngành xây dựng đã đạt mức tăng trưởng 10%, đóng góp 6,19% cho GDP cả nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục