Qatar khẳng định công tác chuẩn bị World Cup không bị ảnh hưởng

11:09' - 16/06/2017
BNEWS Qatar ngày 15/6 khẳng định xung đột với các quốc gia Arab vùng Vịnh, trong đó có lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Doha.

Điều này hông ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị tổ chức World Cup 2022, đồng thời nhấn mạnh các nguồn nguyên vật liệu xây dựng thay thế đã được đảm bảo.

Tuần trước, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) xác nhận vẫn giữ liên lạc thường xuyên với ban tổ chức World Cup 2022 của Qatar sau khi Saudi Arabia, Bahrain và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), cùng với Ai Cập cắt đứt quan hệ với Qatar, vì cho rằng Doha ủng hộ khủng bố, can thiệp vào vấn đề nội bộ các nước khu vực.

World Cup 2022 là trọng tâm trong chiến lược đã được vạch kế hoạch kỹ lưỡng nhằm quảng bá hình ảnh Qatar trên trường quốc tế thông qua thể thao. Trước thềm giải đấu, Qatar dự kiến tổ chức nhiều sự kiện của các môn thể thao khác nhau nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng và chuyên môn.

Người đứng đầu Ủy ban giám sát công tác chuẩn bị cho World Cup của Qatar Ghanim al-Kuwari xác nhận rằng không có gì ảnh hưởng đến tiến trình chuẩn bị cơ sở hạ tầng và công tác này vẫn diễn ra bình thường. Ông nêu rõ khoảng 45% công tác chuẩn bị đã được hoàn tất theo kế hoạch.

Mặc dù đa số nguyên vật liệu xây dựng cần để xây dựng sân vận động được vận chuyển bằng đường bộ thông qua Saudi Arabia, tuyến đường nay đã bị phong tỏa, song ông Kuwari tuyên bố nguồn cung thay thế từ khu vực khác đã được sắp xếp để đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ.

Theo đó, chỉ một số hàng hóa được chuyển bằng đường bộ, đa số nguyên vật liệu được chuyển bằng đường biển, ngoài ra còn một số vật liệu được sản xuất ngay tại địa phương.

Cùng ngày, Ủy ban Olympic quốc tế bày tỏ hy vọng việc các nước vùng Vịnh tẩy chay ngoại giao và kinh tế đối với Qatar sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển thể thao trong khu vực.

Trong diễn biến mới nhất liên quan đến cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Saudi Arabia Suleiman al-Hamdan tuyên bố mối bất hòa tại khu vực là vấn đề chính trị chứ không phải quyền lợi về không phận, do đó việc này không thể do Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) giải quyết.

Trước đó, giới chức hàng không các nước Arab vùng Vịnh đã gặp nhau tại Montreal, Canada, để thảo luận về quyết định đóng cửa không phận đối với Qatar, khiến Doha phải kêu gọi ICAO can thiệp nhằm giải quyết tranh chấp.

Doha đã yêu cầu ICAO sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước Chicago năm 1944 để xử lý bất đồng.

Tại cuộc thảo luận, phái đoàn của Saudi Arabia đã cáo buộc Qatar không tuân theo Điều 4 trong Công ước Chicago, trong đó "kêu gọi các nước thành viên không sử dụng hàng không dân dụng vì bất kỳ mục đích nào đi ngược lại với các mục tiêu của công ước này"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục