Qatar liệu có thể đàm phán với các nước láng giềng?

06:09' - 23/06/2017
BNEWS Trang mạng National Interest (Mỹ) mới đây có bài phân tích với tựa đề “Qatar có thể đàm phán về cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay với các nước láng giềng?”
Qatar liệu có thể đàm phán với các nước láng giềng? Ảnh: Reuters

Đây là bài viết của tác giả Daniel R. DePetris, chuyên gia của Trung tâm Defense Priorities (Mỹ). 

Theo bài viết, thông thường, khi nói đến vấn đề an ninh quốc gia hoặc khủng hoảng ngoại giao ở Trung Đông, các quốc gia thường được nhắc đến là Iraq, Syria và Yemen - vốn có nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, nơi chiến tranh đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có. 

Tuy nhiên, lần này cuộc khủng hoảng lại liên quan đến chế độ quân chủ Arập nằm giữa Vịnh Ba Tư, đây có lẽ là khu vực ổn định duy nhất trong một khu vực có quá nhiều bất ổn.

Vừa qua, Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với một quốc gia nhỏ bé, giàu khí đốt và thịnh vượng là Qatar để trừng phạt vì các quốc gia này cho rằng Qatar vẫn tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các nhóm khủng bố trong khu vực.
Bahrain, quốc đảo nhỏ hơn ở phía Nam, đã lên án việc Qatar ủng hộ các phần tử chống đối Bahrain đang tìm kiếm quyền lực từ gia tộc Al Khalifa. Saudi Arabia, quốc gia kêu gọi các nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cắt đứt quan hệ với Qatar, đã trích dẫn một danh sách dài các cáo buộc đối với nước láng giềng Qatar.
Hãng Thông tấn của nước này nhận định: “Saudi Arabia quyết định cắt đứt quan hệ với Qatar là do nước này đã chia rẽ nội bộ các nước Vùng Vịnh.

Qatar đã thông qua các nhóm khủng bố và các giáo phái khác nhau - bao gồm Phong trào Anh em Hồi giáo, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda - để gây bất ổn cho khu vực". 
Như dự đoán, Qatar phủ nhận mọi cáo buộc từ các nước láng giềng. Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani cho rằng tuyên bố của Riyadh "đầy mâu thuẫn".

Cuộc tranh cãi gần đây nhất giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh (trừ Oman và Kuwait) nghiêm trọng hơn nhiều so với cuộc xung đột ngoại giao diễn ra ở Vịnh Arập vào năm 2014.
Khi đó, những mâu thuẫn tương đối nhỏ, liên quan đến việc phản đối Doha cho phép các nhân vật cấp cao của Phong trào Anh em Hồi giáo ẩn náu, đã khiến quan hệ ngoại giao bị ngưng trệ trong 8 tháng.

Mâu thuẫn đó đã được giải quyết thông qua hòa giải sau khi Qatar trục xuất một số nhân vật thuộc Anh em Hồi giáo ra khỏi nước này. 
Các biện pháp mà các nước Arập cùng các đồng minh ngày nay thực hiện có ảnh hưởng quan trọng hơn nhiều. Ngoài việc đưa các nhà ngoại giao của mình trở về nước, các cuộc phản công chống Qatar - bao gồm ra lệnh cho các công dân Arập, Bahrain và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất - phải rời khỏi Qatar trong vòng 14 ngày và yêu cầu người dân Qatar phải trở về nước cũng trong khoảng thời gian này.
Các tuyến đường hàng không, đường bộ và đường biển tới Bán đảo Qatar đã bị phong tỏa, có nghĩa là hàng thực phẩm nhập khẩu mà Doha bị phụ thuộc để cung cấp cho dân chúng sẽ phải tìm đến các cảng khác để dỡ hàng.

Hãng hàng không Qatar Airways, một trong những hãng hàng không lớn trong khu vực, đã bị cấm sử dụng không phận Arập vùng Vịnh, khiến nhiều chuyến bay bị trì hoãn và buộc hãng hàng không này phải bay theo đường vòng. 
Theo các nhà phân tích, đây sẽ là một cơ hội hoàn hảo để Mỹ vào cuộc và ra tay giúp giải quyết xung đột. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, dòng Tweet của Tổng thống Donald Trump chúc mừng các nước Arập đã cô lập thành công nước láng giềng Qatar - trong khi ông vẫn đang nhận được sự tín nhiệm từ Qatar - dường như đã đóng tất cả các cánh cửa mở ra vai trò trung gian hàng đầu của Washington. 
Thật khó để trở thành người trung gian hòa giải giữa hai bên khi chính người hòa giải lại đang thiên vị. Ông Trump không nhận ra rằng Washington đã có cơ hội để cho đối tác Arập của mình thấy rằng Mỹ - dưới chính quyền Trump - đánh giá ngoại giao có vai trò quan trọng cũng như quân đội.

Điều này cũng sẽ trấn an các chính phủ châu Âu vốn đã có nhiều xáo trộn trong 4 tháng qua. Tuy nhiên, có lẽ nước Mỹ nên xem xét lại tình hình hiện tại. 
Kuwait, đã thúc đẩy đối thoại trong vùng Vịnh bất chấp những khác biệt với các nước Arập trong quá khứ, đã đưa ra quan điểm của mình. Quốc vương Kuwait kêu gọi người đồng cấp Qatar tiếp tục thảo luận về những vấn đề công khai để có thể thiết lập một số nền tảng đối thoại. 
Nhà lãnh đạo Qatar đã đồng ý với yêu cầu trên vì biết rõ rằng các kho lương thực và ngân hàng của nước ông sẽ tiếp tục giảm khi lệnh cấm vận của các nước Arập vùng Vịnh đang có hiệu lực.

Chính phủ Doha thực sự không có nhiều sự lựa chọn trong vấn đề này. Vị trí địa lý nằm giữa các nước vùng Vịnh và đường biên giới duy nhất với Saudi Arabia khiến quốc gia nhỏ bé này rất dễ bị phong tỏa về biên giới. 
Về giải pháp ngoại giao trước mắt, Qatar có thể phải trục xuất ngay nhiều nhân vật thuộc phòng trào Anh em Hồi giáo và các chính trị gia của phong trào Hamas, những người đã biến Doha thành nhà của họ.

Nội dung các tin tức của hãng truyền hình Al Jazeera có thể phải được kiểm định, có nghĩa là các quan điểm chống Arập và ủng hộ Hồi giáo trên sóng truyền hình sẽ không được phát sóng.
Qatar cũng sẽ cần tìm kiếm một cam kết với Saudi Arabia, UAE, Bahrain, Ai Cập và các quốc gia khác rằng các quốc gia này sẽ không can thiệp vào chính sách đối ngoại độc lập của Doha. Thông thường, quốc gia lớn nhất vùng Vịnh chỉ làm theo cách riêng của họ, do đó Riyadh không cần quá vội vàng với vấn đề đàm phán này. 
Theo tác giả, điều quan trọng là kết quả ngoại giao sẽ như thế nào, muốn vậy một quốc gia trong khu vực phải chủ động làm trung gian hòa giải và Mỹ cần thể hiện vai trò lãnh đạo của mình giống như vẫn thường được yêu cầu.

Miễn là sự dàn xếp này không ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông, thì không có gì sai khi Mỹ thực hiện các giải pháp cho các vấn đề của khu vực này./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục