Quá trình gây dựng ảnh hưởng tại Trung Đông của UAE

05:30' - 22/06/2018
BNEWS Trang mạng của kênh truyền hình Press TV (Iran) vừa đăng bài phân tích nhận định UAE đang nhanh chóng nổi lên là một bên có ảnh hưởng trong đời sống chính trị ở Trung Đông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Hoàng Thái tử Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Mohammed bin Zayed (trái). Ảnh: AFP/TTXVN

Trong phần lớn chiều dài lịch sử của mình, UAE luôn là một quốc gia độc lập, duy trì lập trường phần lớn là trung lập trong các mối quan hệ quốc tế. Trong giai đoạn ông Zayed bin Sultan al-Nahyan làm Tổng thống UAE, nước này thường đóng vai trò lực lượng trung gian trong các cuộc xung đột giữa các nước Arập hay Hồi giáo. Do có lập trường trung lập, UAE thường được coi như là “Thụy Sĩ của Trung Đông”.

Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của UAE đã đột ngột thay đổi sau khi Tổng thống Zayed bin Sultan al-Nahyan từ trần hồi năm 2004 và con trai ông là Mohammed bin Zayed al-Nahyan kế vị. Dưới sự lãnh đạo của Mohammed bin Zayed, UAE nhanh chóng từ bỏ lập trường trung lập trước kia và gia nhập liên minh với bộ 3 Mỹ-Israel-Saudi Arabia, trở thành một lực lượng hung hăng, phá hoại ở Trung Đông.

Bất chấp việc gia tăng ảnh hưởng về chính trị với nền kinh tế lớn thứ 2 trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, chỉ đứng sau Saudi Arabia, UAE vẫn bị coi là một trong những nước “lạc hậu” nhất ở Trung Đông. UAE là một liên bang của các chế độ quân chủ chuyên chế thế tập, nắm quyền theo hình thức "cha truyền con nối".

Liên bang nằm dưới quyền quản lý của Hội đồng Tối cao Liên bang gồm có 7 tiểu vương của 7 tiểu vương quốc trong liên minh: Abu Dhabi, Ajman, Fujairah, Sharjah, Dubai, Ras al-Khaimah và Umm al-Qaiwain. 

Giới quan sát đánh giá ở quốc gia này không có sự hiện diện của nền dân chủ, thường bị chỉ trích về các vụ vi phạm nhân quyền đặc biệt là việc đối xử với các lao động nước ngoài đến từ nhiều nước châu Á và châu Phi. UAE là 1 trong 3 nước, cùng với Pakistan và Saudi Arabia, từng công nhận chính quyền Taliban ở Afghanistan, sau đó thay đổi lập trường này sau vụ tấn công khủng bố vào ngày 11/9/2001 ở Mỹ. 

Trong quá trình phát triển trở thành một cường quốc ở khu vực Trung Đông, UAE phần lớn áp dụng lập trường trung lập trong các vấn đề quốc tế với mục đích bảo vệ lợi ích của chính mình. Tuy nhiên, việc ngày càng giàu mạnh và nổi trội trên trường quốc tế rốt cuộc đã “cho phép” nước này nắm vai trò quan trọng trong chính trị Trung Đông.

UAE đã theo gương Israel và Saudi Arabia trong việc xây dựng mối quan hệ gần gũi với Mỹ. Mohammed bin Zayed al-Nahyan đã đi đến kết luận rằng cách hiệu quả nhất để tăng cường quyền lực và ảnh hưởng ở khu vực sẽ thông qua việc ủng hộ những mục tiêu địa chính trị của trục Mỹ-Israel- Saudi Arabia ở Trung Đông.

Trong thập kỷ qua, UAE đã tìm cách “nuôi” quan hệ với những nhân vật chính trị cánh hữu ở Mỹ, và giữ khoảng cách với các nước láng giềng Arập và Hồi giáo. Ngoài ra, khi đã trở nên giàu có hơn, chủ yếu dựa vào dầu mỏ, nước này cũng đã “tự chuyển mình” thành "cường quốc" quân sự ở khu vực.

Tuy nhiên, do dân số ít, UAE đã gặp khó khăn trong việc phát triển một lực lượng quân sự hùng mạnh, kể cả sau khi áp dụng quy định bắt buộc tòng quân. Vì vậy, UAE đã phải sử dụng lính đánh thuê nước ngoài và xây dựng quan hệ với các tổ chức cung cấp lính đánh thuê của phương Tây như Erik Prince’s Blackwater, Xe Services.

UAE ngày càng trở nên phụ thuộc vào lực lượng lính đánh thuê để bảo vệ các tài sản, lợi ích của nước này cũng như của các nhà đầu tư quốc tế. UAE đã tham gia liên quân các nước Arập do Saudi Arabia đứng đầu tham chiến ở Yemen, có thông tin tình báo cho rằng UAE đã sử dụng lính đánh thuê từ châu Phi.

Trong khi tuyên bố rằng mục tiêu của cuộc chiến này là nhằm đánh bại lực lượng phiến quân Houthi và ủng hộ cái mà liên quân do Saudi Arabia đứng đầu tuyên bố là vì chính phủ hợp hiến của Yemen, song thực chất mục tiêu của cuộc chiến này là nhằm làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Iran ở vùng Vịnh.

Mặc dù UAE sát cánh cùng Saudi Arabia ở mặt trận Yemen, song giữa 2 nước này cũng có sự tranh giành ảnh hưởng ở khu vực. Saudi Arabia vẫn xếp UAE vào “hàng chiếu dưới” và coi nước này như một đối thủ không mong muốn ở khu vực. Tuy vậy, UAE vẫn bày tỏ sự ủng hộ đối với Hoàng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.

Hai nước đã “xích lại gần nhau hơn” kể từ khi ông bin Salman lên nắm quyền. Mới đây, Saudi Arabia và UAE đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác và công bố danh sách các dự án chung như là một phần của liên minh mới được thành lập. Saudi Arabia và UAE cũng là hai nền kinh tế lớn nhất Trung Đông.

UAE đã công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông. Tuy nhiên, nước này lại được cho là “theo đuôi” Israel và Saudi Arabia trong việc tiếp tay cho các tổ chức khủng bố, coi đây như là công cụ phục vụ những lợi ích địa chính trị của chính họ và chỉ phản đối khủng bố khi các hoạt động khủng bố có nguy cơ đe dọa những lợi ích đó.

Khi thế và lực đã có, UAE ngày càng tìm cách can thiệp vào tình hình chính trị nội bộ của các nước thuộc khu vực Trung Đông. Năm 2007, UAE đã dính líu vào âm mưu tiến hành đảo chính chính quyền Hamas của Palestine bằng cách cung cấp vũ khí cho những phần tử ủng hộ Muhammed Dahlan, nhân vật giàu tham vọng ở Dải Gaza.

UAE đã can dự vào những nỗ lực nhằm đàn áp làn sóng nổi dậy diễn ra ở các nước Arập năm 2010 và hỗ trợ cuộc đảo chính quân sự ở Ai Cập năm 2013. Cùng với Saudi Arabia, UAE tiếp tục tiếp tay cho các phần tử khủng bố ở Libya, Syria và Tunisia. Ngoài ra, UAE còn liên quan tới các hoạt động cướp biển, tiến hành cuộc tấn công mạng nhằm vào Hãng thông tấn Qatar, hậu thuẫn cho âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2016.

Theo giới quan sát, UAE đã áp dụng chính sách “hai mặt”, “nhúng tay” vào các cuộc xung đột, can dự vào công việc nội bộ ở một số nước trong khu vực. Trung Đông sẽ không thể yên ổn nếu vẫn có những nước như UAE, từ bỏ lập trường trung lập để toan tính cho những lợi ích riêng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục