Quản lý đất công tại Thành phố Hồ Chí Minh - Bài 1: Các thương vụ “tai tiếng”

16:18' - 16/05/2018
BNEWS Tp Hồ Chí Minh tập trung nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, trao đổi kinh tế thương mại. Hơn lúc nào hết, nhu cầu sử dụng nhà, đất luôn trong tình trạng “bức thiết” và “nóng bỏng”.

Là trung tâm kinh tế của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, trao đổi kinh tế thương mại. Hơn lúc nào hết, nhu cầu sử dụng nhà, đất luôn trong tình trạng “bức thiết” và “nóng bỏng”.

Vì thế, nguồn lực đất đai nói chung; trong đó có nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước dễ xảy ra vi phạm nếu không được quản lý và sử dụng chặt chẽ, theo đúng các quy định của pháp luật.

Bài 1: Các thương vụ “tai tiếng”

Đô thị hoá diễn ra chóng mặt đang là nguyên nhân lớn khiến giá đất và nhà ở tại Thành phố Hồ Chí Minh liên tục tăng nhanh trong thời gian qua.

Nhiều doanh nghiệp đang “lùng sục” các khu đất có vị trí đẹp, dễ sinh lời để đầu tư các dự án nhà ở, kinh doanh thương mại.

Trong quá trình đó, do quản lý lỏng lẻo, đã xảy ra một số vụ mua bán, chuyển nhượng đất công gây thất thoát ngân sách, tạo tâm lý hoang mang và bức xúc trong người dân.

Từ bán đất ngoại thành giá bèo...

Một sự việc xôn xao dư luận trong thời gian qua là việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (gọi tắt là Công ty Tân Thuận) là doanh nghiệp kinh tế của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh bán hơn 32ha đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai với giá "bèo bọt” 1,29 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường tại khu vực này thấp nhất cũng ở mức 15 triệu đồng/m2. Nếu như hợp đồng mua bán nói trên không được xử lý kịp thời thì ngân sách thành phố sẽ thất thu hàng nghìn tỷ đồng.

Trước sự vụ nghiêm trọng này, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã họp và đi đến thống nhất việc chuyển nhượng phần đất đã đền bù nói trên là không đúng thẩm quyền. Việc chuyển nhượng đất đã đền bù không qua đấu giá là trái với Nghị định 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Hiện hợp đồng chuyển nhượng 32ha đất nói trên đã được huỷ.

Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định tạm đình chỉ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận đối với ông Trần Công Thiện để kiểm điểm và xử lý trách nhiệm; đồng thời chỉ đạo thanh tra toàn diện công ty này, xử lý nghiêm trách nhiệm các cá nhân liên quan.

Đáng lưu ý, ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã chấp thuận việc chuyển nhượng đất đã đền bù của Công ty Tân Thuận cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai không đúng thẩm quyền, không đúng quy định của pháp luật; không báo cáo Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy trước khi quyết định; thiếu kiểm tra việc thực hiện các kết luận chỉ đạo của mình. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu ông Tất Thành Cang kiểm điểm trách nhiệm trong vụ việc trên.

...đến bán rẻ “đất vàng” trung tâm

Dự án số 8 - 12 Lê Duẩn vừa bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi gần 5.000m2 do chuyển nhượng không qua đấu giá. Xuân Tình/TTXVN

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ có Kết luận thanh tra số 645/KL-TTCP về việc thực dự án khách sạn cao cấp, thương mại, dịch vụ, căn hộ cho thuê tại số 8 – 12 Lê Duẩn, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Kết luận thanh tra này, khu đất nói trên có diện tích gần 5.000 m2 do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý Kinh doanh nhà thành phố quản lý, ký hợp đồng cho thuê nhà, đất đối với 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương gồm Công ty Cổ phần Hoá chất vật liệu điện thành phố, Công ty Cổ phần Kim khí thành phố, Công ty Cổ phần thiết bị phụ tùng Sài Gòn và Công ty Cổ phần Vận tải xăng dầu VITACO (gọi tắt là 4 công ty thuộc Bộ Công Thương).

Thực hiện phương án sắp xếp các mặt bằng nhà, đất theo Quyết định số 09/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, UBND thành phố có chủ trương sử dụng khu đất số 8 – 12 Lê Duẩn để xây dựng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và có một phần trung tâm thương mại, giao Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý Kinh doanh nhà thành phố thu hồi, quản lý mặt bằng.

Để thực hiện dự án này, theo đề nghị của Bộ Công Thương, UBND thành phố đồng ý phương án thành lập công ty cổ phần với tỷ lệ góp vốn như sau: Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý Kinh doanh nhà thành phố góp vốn 50%, 50% còn lại chia đều cho 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương (mỗi đơn vị góp 12,5%).

Trong quá trình đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoa Tháng Năm có văn bản gửi Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý Kinh doanh nhà thành phố đề nghị được hợp tác đầu tư.

Nội dung đề nghị này sau đó được trình lên và được UBND thành phố chấp thuận góp vốn tới tỷ lệ 30% trong khi không thẩm định năng lực tài chính của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoa Tháng Năm.

Cùng thời điểm kể trên, 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương ký thoả thuận với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Kinh Đô nay là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kido để chuyển nhượng 100% quyền đầu tư của 4 công ty này với giá 200 tỷ đồng.

Đến đây chỉ còn 3 công ty cùng tham gia dự án là Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý kinh doanh nhà thành phố, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Kido và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoa Tháng Năm.

Sau đó 3 công ty này là cổ đông thành lập nên Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue để thực hiện dự án số 8-12 Lê Duẩn dưới tên gọi thương mại là Lavenue Crown.

Đến tháng 6/2011, UBND thành phố chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue sử dụng gần 5.000m2 tại số 8-12 Lê Duẩn để làm dự án khách sạn 5 sao. Sau đó UBND thành phố duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất tại đây với gần 650 tỷ đồng.

Theo Thanh tra Chính phủ, khu đất số 8-12 đường Lê Duẩn, quận 1 có lợi thế đặc biệt thương mại do 3 mặt tiền giáp các tuyến đường trung tâm quận 1 là Hài Bà Trưng, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Chiêm, giá đất từ 400 triệu đồng/m2 nên nếu đấu giá thành công sẽ thu về ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, thực hiện dự án khách sạn 5 sao tại số 8-12 Lê Duẩn, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã không thực hiện đấu giá, không thẩm định năng lực tài chính của các công ty tham gia.

Việc giao dự án cho doanh nghiệp không đủ năng lực, đồng thời cho doanh nghiệp tham gia nhằm dịch chuyển hai tài sản có vị trí trung tâm đang thuộc quyền quản lý, sử dụng của Nhà nước sang cho tư nhân với giá rẻ là không đúng quy định.

Mặt khác, việc cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoa Tháng Năm được tham gia dự án mà không quá đấu thầu, việc chuyển tỷ lệ góp vốn tham gia từ 50% của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý kinh doanh nhà thành phố xuống còn 20% để Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoa Tháng Năm tham gia là trái pháp luật.

Trong khi quy hoạch tỷ lệ 1/2000 về cải tạo chỉnh trang khu trung tâm hiện hữu thành phố chỉ cho phép chiều cao tối đa công trình là 20 tầng nhưng sau đó thành phố đã điều chỉnh lên 36 tầng.

Việc điều chỉnh quy hoạch kiến trúc xây dựng của UBND thành phố không phù hợp với Luật Quy hoạch đô thị. Cùng với đó, UBND thành phố giao đất và cho thuê đất không đúng đối tượng, không xin ý kiến Thường trực UBND và báo cáo HĐND thành phố.

Hệ quả là giảm nguồn thu cho ngân sách, vụ việc có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của Nhà nước. Để xảy ra sai phạm này liên quan đến lãnh đạo UBND thành phố nhiệm kỳ 2011-2015, đặc biệt là trách nhiệm của ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố vào thời điểm, người đã ký nhiều, ký nhanh các văn bản chấp thuận cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hoa Tháng Năm tham gia dự án.

Hiện nay dự án đã được đầu tư hơn 700 tỷ đồng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và đang được sử dụng làm bãi giữ xe ô tô.

Thanh tra Chính phủ đã đề nghị UBND thành phố thu hồi toàn bộ khu đất 8-12 đường Lê Duẩn để thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định nhằm giữ kỷ cương pháp luật và tăng ngân sách nhà nước nhưng đồng thời tính đến phương án đảm bảo quyền và lợi ích của chủ đầu tư.

Bài 2: “Chảy máu” đất công

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục