Quản lý quy hoạch nông nghiệp: Lời giải từ thị trường

14:12' - 04/09/2015
BNEWS Lúc chặt điều trồng cao su, lúc chặt cao su trồng cà phê, rồi chặt cà phê trồng hồ tiêu... Cái vòng luẩn quẩn “trồng–chặt, chặt–trồng” cứ thế diễn ra, dẫn đến những khó khăn cho các nông dân.

Lúc chặt điều trồng cao su, lúc chặt cao su trồng cà phê, rồi chặt cà phê trồng hồ tiêu, cái vòng luẩn quẩn “trồng – chặt, chặt – trồng” xảy ra ngay cả với những cây trồng được coi là thế mạnh của quốc gia. Bởi vậy, nông sản Việt Nam luôn rơi vào tình trạng cung vượt quá cầu, “được mùa, mất giá”, dẫn đến khó khăn, thua lỗ trong sản xuất. Do thiếu những định hướng tư vấn và quản lý của các cơ quan chức năng nên sự phát triển cây trồng, sản phẩm hàng hóa đang chạy theo phong trào và lợi nhuận trước mắt không tính đến chuyện lâu dài.

Chạy theo phong trào

Theo ông Nguyễn Quang Dũng, Quyền Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục đích quy hoạch là phục vụ quản lý Nhà nước nhưng đích cuối cùng là đảm bảo phát triển ổn định, bền vững, mang lại lợi nhuận cho các bên tham gia trong sản xuất. Đồng thời tập trung ưu tiên nhiều hơn việc tăng lợi nhuận cho người nông dân. Khi tận dụng được lợi thế về tự nhiên (đất đai, nguồn nước, khí hậu) và kinh tế, thực hiện theo quy hoạch sẽ giảm được giá thành sản xuất. Khi giá cả thị trường, các kênh tiêu thụ có những rủi ro, giá thành sản xuất vẫn thấp hơn kể cả khi thị trường đi xuống.

Nông dân Quảng Ngãi thu hoạch dưa tại ruộng
Tuy nhiên, khi giá cao, người dân bất chấp, đổ xô vào trồng, kể cả trồng trên những vùng đất không được coi là thuận lợi. Chẳng hạn, cà phê, đã có sự phát triển trồng trên cả những vùng không chỉ có nguồn đất không phù hợp, nguồn nước cũng khó khăn. Đối với loại cây này, nguồn nước là rất quan trọng và chính vì thế khi sản xuất ngoài quy hoạch, giá thành sản xuất sẽ cao hơn trong vùng được quy hoạch.

Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt bày tỏ, với cây cao su phải tránh vùng bị tác động bởi rét đậm rét hại, vùng gió bão. Nhưng trên thực tế cao su tiểu điền đã bị “bung” ra cả những khu vực trên. Rõ ràng có quy hoạch nhưng do thị trường, giá cả, lợi nhuận trước mắt đã làm vỡ và vượt quy hoạch. Với những tiến bộ kỹ thuật về giống như có khả năng chịu hạn, mặn hay rét nên việc mở rộng sản xuất cũng trở nên dễ dàng hơn.

Có quy hoạch rồi nhưng vì lợi ích nên nhiều địa phương đã xin bổ sung quy hoạch. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp Phát triển nông thôn, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay, lý do đơn thuần là các tỉnh có quy hoạch trồng được thì tại sao không cho địa phương khác trồng? Hay khi thấy người bên cạnh trồng được, lãi nhanh, bán được giá thì ai ai cũng trồng?

Bài học từ việc phá vỡ quy hoạch cây cà phê, cao su vẫn còn, nhưng khi giá hồ tiêu liên tục tăng tiếp tục kích thích nông dân “bùng nổ” diện tích trồng hồ tiêu mới. Tổng diện tích trồng hồ tiêu cả nước hiện đã hơn 80.000 ha, trong khi quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2020 cũng chỉ là 50.000 ha. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cảnh báo về việc phát triển diện tích trồng hồ tiêu không theo quy hoạch, canh tác thiếu bền vững… sẽ dẫn đến tình trạng sâu bệnh, năng suất thấp, giảm chất lượng. Tuy nhiên, người dân vẫn phớt lờ những cảnh báo này./.

Theo ông Nguyễn Quang Dũng, khi Nhà nước giao quyền tự chủ cho hộ nông dân, cho doanh nghiệp khi được giao đất, họ có quyền chủ động lựa chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi cho sản xuất trên mảnh đất họ. Điều này vừa phát huy được tính năng động, chủ động của nông dân, của đối tượng sử dụng đất nhưng mặt khác cũng gây khó khăn cho việc thực hiện đúng quy hoạch, sản xuất hàng hóa ra không đồng nhất. Khi quy hoạch các loại cây trồng hàng hóa lớn, bao giờ cũng tính toán để khả năng tiêu thụ, nhu cầu của thị trường. Nhưng việc dự báo qua các kênh thông tin, dự toán bằng các thuật toán nên khi thị trường biến động mạnh, nhiều yếu tố can thiệp nên không thể đảm bảo dự báo chính xác hoàn toàn.

Ông Nguyễn Trí Ngọc lại cho rằng, mọi quy hoạch của ngành nông nghiệp hiện nay đều được làm rất đầy đủ nhưng chất lượng quy hoạch chưa sát và chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường. Quy hoạch luôn luôn là định hướng, xuất phát từ thị trường, song công tác dự báo thị trường còn hạn chế.

Định hướng theo thị trường

Khẳng định về sản xuất nông nghiệp cần phải theo yếu tố thị trường, ông Nguyễn Quang Dũng thừa nhận, nếu như trước kia khi làm quy hoạch mặc dù có tính toán đến thu mua, chế biến, thị trường nhưng thực chất vẫn nặng về sản xuất. Tức là chỉ sản xuất theo cái mình có khả năng chứ không theo thị trường cần gì. Hiện nay, cây trồng, vật nuôi đều hướng theo sản xuất hàng hóa nên không thể thiếu thị trường. Vì vậy, phải tính toán xem nhu cầu thị trường như thế nào, từ nhu cầu thị trường sẽ quay trở lại tính toán sản xuất.

Theo ông Nguyễn Xuân Định, sau một chu kỳ thực hiện quy hoạch vẫn có rà soát, điều chỉnh. Nếu thấy quy hoạch đó bất hợp lý, không đáp ứng được yêu cầu thị trường, hoặc sản phẩm cung ứng ra thị trường nhiều quá, dư thừa và làm giảm giá thì phải điều chỉnh quy hoạch và dành đất cho cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Ngọc lại cho rằng, cần có tư duy về sản xuất hàng hóa. Vai trò của chính quyền các cấp; trong đó địa phương, trước hết phải nắm vững quy hoạch, nắm vững định hướng, từ đó có trách nhiệm thông tin bằng các hướng dẫn, chuyển giao cho nông dân, để họ tổ chức sản xuất. Hướng dẫn hoặc tạo điều kiện để nông dân liên kết với nhau thực hiện sản xuất với sản phẩm được định hướng đó; nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp tại địa phương. Đồng thời, có cơ chế thu hút doanh nghiệp thu mua, chế biến vào lĩnh vực đó.

Đất sản xuất lúa chưa gieo cấy được do thiếu nước cơ nguy cơ bị bỏ hoang tại Quảng Trị

Ông Nguyễn Quang Dũng lấy ví dụ, trong thực tế, một số địa phương, có những cây trồng đã áp dụng chế tài để quản lý, sản xuất đồng loạt trên cánh đồng. Địa phương quy định vùng nào trồng ngô, đất nơi đó phải trồng ngô, thậm chí còn quy định giống ngô gì. Nếu nông dân không tuân thủ theo hướng dẫn, chỉ đạo sẽ không được cấp nước. Tuy nhiên, cách làm này phụ thuộc vào sự quyết liệt của lãnh đạo địa phương.

Thời gian gần đây, một loại cây trồng có tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao là mắc ca đã “nóng” khắp vùng Tây Nguyên và Tây Bắc. Nông dân kỳ vọng quá cao vào cây trồng mới này và đổ xô trồng. Trước yêu cầu của xã hội, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có một quy hoạch cho loại cây trồng này. Nhưng khi quỹ đất trống không còn nhiều, lại là cây trồng dài ngày, làm sao phát triển mắc ca không gặp phải tình trạng như một vài cây trồng khác là “được mùa, mất giá”. Điều đó đòi hỏi không chỉ quy hoạch trồng cây mắc ca mà phải là quy hoạch ngành hàng. Quy hoạch ngành hàng phải đạt được mục đích cuối cùng là hiệu quả cao nhất. Ngoài những điều kiện sinh học về thổ nhưỡng, khí hậu, quan trọng hơn là phải thấy được khả năng thị trường. Từ đó, có giải pháp đồng bộ từ chế biến, bảo quản đến liên kết, hướng dẫn bà con sản xuất”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết.

Theo nhiều chuyên gia, chính những định hướng trong sản xuất, những thông tin dự báo thị trường kịp thời sẽ từng bước nâng cao ý thức của nông dân trong việc thực hiện các quy hoạch. Ông Nguyễn Xuân Định cho rằng, rất nhiều loại cây trồng ngắn ngày, cây trồng xen như dưa hấu, rau màu… nông dân tranh thủ gia tăng sản xuất thì không có chuyện quy hoạch. Tuy nhiên, để phân tán áp lực lúc thu hoạch, nếu điều kiện cho phép nông dân nên rải vụ, chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định, chúng ta đang thực hiện cơ chế thị trường. Vì vậy, chúng ta tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng phải phù hợp với cơ chế thị trường. Phải sản xuất những thứ thị trường cần, chứ không phải sản xuất những thứ chúng ta có. Bộ cũng như chính quyền các cấp đang rà soát quy hoạch để hướng dẫn nông dân hướng vào sản xuất những cây trồng, vật nuôi có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ tốt hơn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, không thể kỳ vọng có một thị trường luôn luôn có giá ổn định ở mức cao có lợi cho nông dân, do vậy phải tìm cách để thích ứng với thị trường. Để thích ứng với thị trường, cách tốt nhất là phải lựa chọn và phát huy những lợi thế của nước ta, hỗ trợ nông dân làm ra sản phẩm với chất lượng cao hơn và giá thành hạ hơn để trong mọi tình huống của thị trường, nông sản nước ta có khả năng cạnh tranh cao, giá có lợi cho nông dân. Trong điều kiện hiện nay, yêu cầu mới đặt ra là phải phát triển mạnh hơn hai thành phần trong chuỗi giá trị, đó là các tổ hợp tác, các hợp tác xã và các doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp, chỉ khi chúng ta phát triển theo chuỗi như vậy, với sự gắn kết thì sự tự phát của nông dân có thể được hạn chế, hiệu quả sản xuất sẽ ổn định hơn./.

Bích Hồng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục