Quản lý về nợ công sẽ chỉ có một cơ quan đầu mối thống nhất

19:28' - 03/11/2017
BNEWS Các đại biểu đồng tình với quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 3/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

* Quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 về tinh gọn bộ máy

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Theo đó, các đại biểu đồng tình với quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công. Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính.

Việc phân công quyền hạn, trách nhiệm của những cơ quan quản lý, sử dụng nợ công là rất quan trọng để quản lý chặt chẽ, hiệu quả về nợ công, khắc phục tình trạng ba cơ quan cùng tham gia vay nợ nước ngoài dẫn đến thiếu sự gắn kết trong huy động, sử dụng, giải ngân vốn không sát với dự toán được giao, Quốc hội phải nhiều lần điều chỉnh dự toán, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay; phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên nguyên tắc: Một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chủ trì chịu trách nhiệm chính; phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vũ Thị Lưu Mai phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nêu rõ: Xét dưới góc độ thực tiễn, một trong những mục tiêu chủ yếu cơ bản khi sửa đổi Luật Quản lý nợ công là phải khắc phục những hạn chế bất cập trong công tác quản lý hiện nay. Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XII) đã quán triệt tinh thần tinh gọn bộ máy theo hướng một việc chỉ một cơ quan làm việc. Như vậy, xét dưới góc độ chủ trương, đường lối thì quan điểm của Đảng là rõ ràng đối với công tác quản lý nợ công.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong quy trình quản lý nợ công là hết sức cần thiết, cần rà soát để có các quy định cho phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, kể cả Luật Cán bộ, công chức.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) khẳng định: Về chế độ trách nhiệm cá nhân cũng như việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phân công, phân cấp rõ ràng là những nguyên tắc chung nhất trong quản lý cán bộ công chức được quy định tại Luật Cán bộ, công chức. Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét, rà soát việc quy định cho phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật kể cả Luật Cán bộ, công chức.

* Tăng cường phối hợp, phát huy hiệu quả trong quản lý nợ công

Nhiều ý kiến nhận định, việc quy định trong dự án Luật, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính trong nhiệm vụ quản lý nhà nước về nợ công theo phân công của Chính phủ, là rất chung chung, dễ bị chồng chéo trong phân công nhiệm vụ.

Các đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Trần Thị Hoa Ri (Bạc Liêu)... đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét quy định rõ hơn, cụ thể hơn trách nhiệm của các bộ, ngành, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính trong việc thực hiện quản lý Nhà nước về nợ công: Đàm phán, thỏa thuận vay đối với các tổ chức quốc tế hoặc các tổ chức tín dụng quốc tế...

Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), thực tiễn cho thấy, cơ chế phối hợp là một trong những cơ chế hạn chế lớn của quản lý nhà nước hiện nay. Quy định của dự án Luật còn mập mờ, không rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nợ công và sẽ không tạo hành lang pháp lý cụ thể khi triển khai thực hiện cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi thực hiện quản lý nhà nước về nợ công.

Đồng thời, dự án Luật chưa đính kèm các Nghị định, Thông tư cụ thể về phân công của Chính phủ nhằm khắc phục những tồn tại và thể hiện rõ cơ chế phối hợp như thế nào để tránh chồng chéo, cắt khúc nhằm phát huy hiệu quả trong quản lý nợ công.

Cần quan tâm trách nhiệm tổng thể của nợ công bao gồm cả nợ trong nước, nợ nước ngoài và tiến độ trả nợ... Để dự án Luật mang tính chặt chẽ, hiệu quả khi triển khai thực hiện, ban soạn thảo cần bổ sung nguyên tắc phối hợp, bao gồm quy định trách nhiệm phối hợp, cách phối hợp, trách nhiệm, quyền của người chủ đầu mối quản lý cũng như trách nhiệm của cơ quan phối hợp để quy định rõ cơ chế phối hợp và cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp nhằm tạo hành lang pháp lý cũng như quy định rõ trách nhiệm tổ chức cá nhân khi triển khai thực hiện - đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu kiến nghị việc phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan cần giải quyết tốt việc thống nhất đầu mối, không phân chia và gắn trách nhiệm đi vay, sử dụng vốn với trách nhiệm và khả năng trả nợ; bổ sung các Nghị định, thông tư phân công trách nhiệm, thể hiện rõ cơ chế phối hợp của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về nợ công, trình Quốc hội xem xét hoặc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến trước khi thực hiện./.

>> Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Thống nhất đầu mối về quản lý nợ công

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục