Quan tâm tới khía cạnh giới trong hoạch định chính sách kinh tế

11:08' - 13/01/2017
BNEWS Thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ là nội dung quan trọng trong việc xây dựng hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch hành động trong quá trình đánh giá tái cơ cấu kinh tế tại Việt Nam.
Hội thảo “Thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trong quá trình tái cơ cấu kinh tế tại Việt Nam”. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 13/1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế (CIEM) phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trong quá trình tái cơ cấu kinh tế tại Việt Nam” nhằm chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm về khía cạnh giới trong hoạch định thực thi chính sách, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ là nội dung quan trọng trong việc xây dựng hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch hành động trong quá trình đánh giá tái cơ cấu kinh tế tại Việt Nam.

Chính vì vậy, khía cạnh về giới cần được ưu tiên quan tâm. Đây không chỉ là sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia mà còn của các tổ chức quốc tế, các nhà hoạch định chính sách.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Raymond Mallon, cố vấn cao cấp, dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam cho rằng, trao quyền kinh tế cho phụ nữ là sự tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực và các cơ hội kinh tế và xóa bỏ những bất bình đẳng về cơ cấu trong các thị trường bao gồm việc cùng chia sẻ các công việc gia đình không được trả lương.

Thực tế, thị trường lao động vẫn bị phân chia theo giới; phân biệt đối xử trong thị trường lao động đã hạn chế sự lựa chọn của phụ nữ trong các công việc được trả lương; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới vẫn thấp hơn so với nam giới tại phần lớn các quốc gia trên thế giới; đại diện của phụ nữ trong các doanh nghiệp và các vị trí quản lý cao cấp vẫn ở mức thấp, ông Raymond Mallon cho biết.

Ông Raymond Mallon nhấn mạnh, những thể chế thị trường toàn diện sẽ cho phép và tạo điều kiện cho phụ nữ được tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực và giảm bớt sự bất bình đẳng thông qua hệ thống thị trường.

Cải cách thương mại có thể mang lại những cơ hội mới cho phụ nữ hoặc có thể làm gia tăng thêm những thành kiến và phân biệt đối xử về giới; đồng thời, cần phải giám sát tốt hơn và hiểu được các tác động của cải cách kinh tế tới nữ giới.

Bà Mai Thị Diệu Huyền, Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam (VCCI) cũng đề xuất, cần đưa ra các giải pháp để tạo cơ hội cho phụ nữ được đào tạo và thăng tiến trong doanh nghiệp sẽ giúp việc quản lý chặt chẽ hơn, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả hơn. Doanh nghiệp có phụ nữ trong đoàn đàm phán sẽ điềm đạm, tinh tế góp phần thành công trong đàm phán các hợp đồng kinh tế…

“Tạo thu nhập bền vững cho lao động nữ, cải thiện kỹ năng và năng lực cũng như tăng cường các cơ hội kinh tế và xã hội cho phụ nữ là sự đầu tư thông minh. Đầu tư và hỗ trợ phụ nữ sẽ giúp xóa đói giảm nghèo và góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội”, bà Diệu Huyền nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục