Quản trị kinh tế hướng tới một nhà nước kiến tạo

12:55' - 13/06/2017
BNEWS Chính phủ Việt Nam luôn cầu thị, lắng nghe để cải cách phát triển, cụ thể hoá chủ trương chính sách nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của đất nước.

Sáng 13/6, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Nhóm ngân hàng Thế giới tổ chức Hội nghị quốc tế “Quản trị kinh tế hướng tới một nhà nước kiến tạo” nhằm trao đổi các kinh nghiệm quốc tế về tái định hình vai trò của Nhà nước trong quản lý kinh tế.

Đồng thời, tăng cường thể chế hướng tới một Nhà nước kiến tạo phát triển bền vững và thịnh vượng hơn.

Quản trị kinh tế hướng tới một Nhà nước kiến tạo. Tác giả: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước thách thức trong bối cảnh thế giới biến động và nội tại nền kinh tế. Vấn đề là làm sao để vượt qua thách thức phát triển tốt hơn?

Chính phủ Việt Nam luôn cầu thị, lắng nghe để cải cách phát triển, cụ thể hoá chủ trương chính sách nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của đất nước.

Xây dựng Nhà nước có năng lực và trách nhiệm giải trình vừa là nhiệm vụ vừa là mục tiêu để vượt qua thách thức.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho rằng, việc xây dựng Chính phủ kiến tạo trong nền kinh tế chuyển đổi sang kinh tế thị trường đầy đủ không đơn giản. Sự chuyển đổi này đòi hỏi cần làm rõ phương thức can thiệp, điều hành của Chính phủ.

“Thay đổi này hơn hết là việc thực hiện bằng hành động cụ thể”, Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần cố gắng đạt được khả năng tăng trưởng bền vững trước biến động của biến đổi khí hậu. Đối với đội ngũ lãnh đạo cần đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, nhất quán với tầm nhìn trong báo cáo Việt Nam lộ trình hướng tới năm 2035.

Chia sẻ thông tin về báo cáo Việt Nam lộ trình hướng tới năm 2035, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh cho biết, Việt Nam ngày càng tụt hậu về thu nhập và quy mô kinh tế. Mặc dù GDP có tăng từ 6-7% nhưng số tuyệt đối này rất nhỏ bé và ngày dãn cách rất xa.

“Trước đây, chúng ta chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường (mặc dù chưa hoàn thiện) nhưng phát huy được lực lượng sản xuất mạnh mẽ để có như hôm nay. Theo đó, chúng ta cần tìm ra động lực mới, đặc biệt là về thể chế. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới.

Đây là cơ hội và cũng là thách thức. Trong xu thế hội nhập, nếu Việt Nam không tận dụng cơ hội của nước đi sau, đón đầu ở đâu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế như thế nào để có sức cạnh tranh cao hơn", nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Trong báo cáo Việt Nam lộ trình hướng tới năm 2035 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam lọt Top 10 nước có trách nhiệm giải trình của nhà nước thấp nhất. Xếp hạng quản trị nhà nước của Việt Nam thấp so với mức thu nhập.

Các chỉ số tương đương hoặc thấp hơn so với mức trung bình của các nước thu nhập trung bình thấp. Về mặt kinh tế, sau 15 năm tổng GDP của Việt Nam chỉ tăng 160 tỷ USD, trong khi Thái Lan tăng 270 tỷ USD; Indonesia tăng 700 tỷ USD.

Trước thực trạng trên, ông Bùi Quang Vinh đã đề xuất một số giải pháp. Đó là tăng cường năng lực của nhà nước; đảm bảo nguyên tắc thị trường trong các quyết định của nhà nước. Từ đó, làm rõ vai trò của nhà nước và vai trò của thị trường.

Cùng đó là tăng cường sự đảm bảo về quyền tài sản, thực thi cạnh tranh, giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh tế.

Bên cạnh đó, dịch vụ hành chính công cần bảo đảm cung cấp theo hướng chuyển từ vai trò nhà nước là người sản xuất và chủ sở hữu sang người hỗ trợ, cung cấp dịch vụ, và điều tiết. Qua đó, mở rộng tham gia của mọi thành phần trong cung cấp dịch vụ công…

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận nhiều nội dung khác như: bối cảnh mới và thách thức đối với chuyển đổi quản trị nhà nước; nâng cao hiệu quả điều hành của Chính phủ; khai thác các lực lượng thị trường, cải cách doanh nghiệp nhà nước và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân; phát huy công nghệ số trong quan hệ giữa nhà nước và người dân../.

>>>>Xây dựng nhà nước kiến tạo: Nhà nước không làm thay dân

>>>>Nhà nước kiến tạo: Cải thiện từ những điểm yếu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục