Quốc hội thông qua Nghị quyết điều chỉnh quyết toán NSNN 2014

12:17' - 29/07/2016
BNEWS Sáng 29/7, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh dự toán chi và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016.
Trong đó, Nghị quyết nêu rõ:
Điều 1. Điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2014: Bổ sung 26.169 tỷ đồng (hai mươi sáu nghìn, một trăm sáu mươi chín tỷ đồng) do giải ngân vốn vay ngoài nước ODA tăng vào dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2014.
Điều 2. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014
1. Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.130.609 tỷ đồng (một triệu, một trăm ba mươi nghìn, sáu trăm linh chín tỷ đồng), bao gồm cả nguồn từ năm 2013 chuyển sang năm 2014, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2013, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.339.489 tỷ đồng (một triệu, ba trăm ba mươi chín nghìn, bốn trăm tám mươi chín tỷ đồng), bao gồm cả 235.506 tỷ đồng (hai trăm ba mươi lăm nghìn, năm trăm linh sáu tỷ đồng) chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015.

3. Bội chi ngân sách nhà nước là 249.362 tỷ đồng (hai trăm bốn mươi chín nghìn, ba trăm sáu mươi hai tỷ đồng), bằng 6,33% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.

Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước gồm: vay trong nước 196.693 tỷ đồng (một trăm chín mươi sáu nghìn, sáu trăm chín mươi ba tỷ đồng); vay ngoài nước 52.669 tỷ đồng (năm mươi hai nghìn, sáu trăm sáu mươi chín tỷ đồng).
Trước đó, trong Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày đã giải trình một số vấn đề cụ thể được các đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận chiều hôm qua tại hội trường.

Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Đối với ý kiến cho rằng, công tác xây dựng và giao dự toán ngân sách nhà nước còn hạn chế, chưa dự báo hết các yếu tố phát sinh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đúng như ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, công tác xây dựng và giao dự toán thu ngân sách ở một số địa phương còn chưa tích cực, chưa dự báo và bao quát hết nguồn thu.

Bên cạnh đó, dự toán chi chưa thực sự căn cứ vào nhiệm vụ thực tế, do vậy khi thực hiện nhiều khoản chi vượt dự toán (như giải ngân vốn ODA...) hoặc không đạt so với dự toán, thừa nguồn kinh phí, ảnh hưởng đến cân đối và điều hành của các cấp ngân sách, dẫn đến phải chi chuyển nguồn, nhưng ngược lại, có nhiệm vụ chi cần thiết lại thiếu hoặc không có nguồn kinh phí để thực hiện.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự toán trong những năm tới sát với khả năng thực hiện, nâng cao chất lượng công tác dự báo để bố trí ngân sách tích cực, tránh tình trạng thu, chi ngân sách nhà nước vượt lớn so với dự toán được Quốc hội quyết định.
Đối với các ý kiến cho rằng, chi đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều sai phạm, xảy ra ở hầu hết các khâu trong quá trình đầu tư, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến đại biểu Quốc hội nêu là xác đáng.

Mặc dù công tác điều hành và chấp hành dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2014 tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả hơn;

Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp tích cực để nâng cao hiệu quả chi đầu tư xây dựng cơ bản, ưu tiên bố trí vốn tập trung cho chi trả nợ, hạn chế khởi công dự án mới... nhưng chi đầu tư xây dựng cơ bản năm 2014 vẫn xảy ra nhiều sai phạm trong hầu hết các khâu trong quá trình đầu tư, nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản còn lớn, nhiều công trình, dự án còn chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, căn cứ vào thực tiễn quyết toán xây dựng cơ bản năm 2014 để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiên quyết khắc phục những hạn chế, tăng cường quản lý nhằm sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục