Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017

13:05' - 14/11/2016
BNEWS Sáng 14/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

 Thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2017 Với 405/425 đại biểu tán thành (82,15%) Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2017. 

Theo Nghị quyết, tổng số thu cân đối ngân sách trung ương là 729.730 tỷ đồng. Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 482.450 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là 902.030 tỷ đồng, trong đó dự toán 254.630 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Quốc hội đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội; chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc), quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.

Trong ảnh: Quốc hội thông qua toàn văn Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN 

Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan khác ở Trung ương và UBND các cấp quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2017 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội đến từng cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước trước ngày 31/12/2016; thực hiện công khai, báo cáo kết quả phân bổ và giao dự toán ngân sách theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; hướng dẫn các bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và địa phương phân bổ vốn đầu tư phát triển ưu tiên tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang; hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng; ưu tiên vốn đối ứng cho các dự án ODA, dự án hợp tác công tư (PPP), xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; tăng cường kiểm tra, thanh tra, đối với tất cả các khâu trong quá trình đầu tư.

Trong quá trình điều hành, bổ sung vốn đầu tư và các nguồn tài chính khác để hỗ trợ các địa phương trọng điểm thu có tỷ lệ điều tiết giảm trong giai đoạn 2017-2020, tạo điều kiện cho các địa phương này phát huy vai trò động lực kinh tế cho cả nước.

Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện sắp xếp các khoản chi đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, các nhiệm vụ mới tăng thêm trong năm 2017; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để nâng mức đóng góp của ngân sách địa phương trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Nhà nước ban hành.

Các chế độ, chính sách, nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, phải có giải pháp đảm bảo nguồn tài chính trong phạm vi dự toán chi ngân sách địa phương được giao hằng năm và nguồn tài chính khác để thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn theo quy định của pháp luật, giám sát việc phân bổ ngân sách trung ương năm 2017 của các bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và HĐND, UBND các cấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục