Quy định các chỉ tiêu tiết kiệm trong một số lĩnh vực sử dụng ngân sách

13:09' - 14/11/2016
BNEWS Theo dự thảo, cần triệt để tiết kiệm chi ngân sách, lồng ghép các chính sách, xây dựng phương án tiết kiệm để thực hiện ngay từ khâu phân bổ dự toán và cả trong quá trình thực hiện...

Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020, quy định rõ các chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể trong một số lĩnh vực sử dụng ngân sách lớn.

Nhiệm vụ trọng tâm của chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020 được dự thảo đề ra là tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Đồng thời, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tiền tệ để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách Nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế.

Ngoài ra, động viên hợp lý các nguồn lực, phấn đấu tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước trên GDP bình quân khoảng 20- 21% GDP…

Theo dự thảo, cần triệt để tiết kiệm chi ngân sách, lồng ghép các chính sách, xây dựng phương án tiết kiệm để thực hiện ngay từ khâu phân bổ dự toán và cả trong quá trình thực hiện; không tăng chi thường xuyên trừ lương, phụ cấp và các khoản có tính chất lương, các khoản đóng góp cho người lao động theo quy định.

Đồng thời kiểm soát bội chi ngân sách Nhà nước, phấn đấu đến năm 2020 ở mức dưới 4% GDP.

Bên cạnh đó, dự thảo còn quy định rõ các chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể trong một số lĩnh vực sử dụng ngân sách lớn và cũng là những điểm nóng trong việc sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước thời gian qua chưa thực sự tiết kiệm, hiệu quả như lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế...

Trong đó, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi mua sắm phương tiện, trang thiết bị đắt tiền để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình của Chính phủ; tiết kiệm triệt để kinh phí của đề tài nghiên cứu khoa học, không đề xuất, phê duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung trùng lặp, thiếu tính khả thi.

Thực hiện khoán kinh phí theo kết quả đầu ra và công khai minh bạch chi phí, kết quả nghiên cứu.

Chương trình tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; triển khai tích cực, hiệu quả Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.

Đồng thời, đẩy nhanh lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công làm cơ sở cho việc chuyển từ hỗ trợ ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng hưởng chính sách xã hội… cũng là những nội dung được dự thảo nhắc tới./.

>>> Cân nhắc gỡ bỏ qui định dãn nhãn năng lượng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục