Quy định mới về giám định tư pháp trong lĩnh vực Công Thương

17:55' - 15/12/2016
BNEWS Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký ban hành Thông tư 30/2016/TT-BCT quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực công thương.

Thông tư nêu rõ quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp; lập và công bố danh sách người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; thủ tục cử người tham gia giám định tư pháp theo vụ việc; thực hiện các hoạt động giám định tư pháp; hồ sơ giám định tư pháp; hướng dẫn áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp; chi phí giám định và chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp trong lĩnh vực công thương.

Hoạt động giám định tư pháp liên quan đến đầu tư xây dựng trong lĩnh vực công thương thực hiện theo quy định của Bộ Xây dựng.

Thông tư này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong ngành công thương và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực công thương.

Ngoài ra, Giám định viên tư pháp trong lĩnh vực này phải đáp ứng các tiêu chuẩn là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt; Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc tương đương trở lên.

Ngoài ra, phải trực tiếp làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực được đào tạo đủ 5 năm trở lên tính từ ngày bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức. Mặt khác, phải có nguyện vọng được bổ nhiệm làm giám định viên.

Cũng theo Thông tư này, công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực công thương: Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt;

Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc tương đương trở lên; Trực tiếp làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên tính từ ngày bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức.

Trong trường hợp người không có trình độ đại học nhưng có kiến thức chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực cần giám định thì có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực Công thương.

Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp bao gồm giấy xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương đối với giám định viên tư pháp ở Bộ Công Thương hoặc của Giám đốc Sở Công Thương đối với giám định viên tư pháp ở địa phương về thời gian trực tiếp làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực được đào tạo; Các tài liệu quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 8 Luật Giám định tư pháp.

Thông tư cũng quy định, đối với giám định viên do Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định bổ nhiệm, Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan lập và gửi danh sách giám định viên tư pháp đến Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung.

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin có trách nhiệm đăng tải danh sách giám định viên tư pháp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách.

Đối với giám định viên tư pháp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định bổ nhiệm, Sở Công Thương có trách nhiệm lập, gửi danh sách giám định viên tư pháp đến Sở Tư pháp và gửi đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trường hợp lập, công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ căn cứ tiêu chuẩn quy định tại Điều 18 Luật Giám định tư pháp và Điều 4 Thông tư này để lựa chọn, lập danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc; căn cứ khoản 1 Điều 19 Luật Giám định tư pháp để lực chọn, lập danh sách tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc gửi Vụ Tổ chức cán bộ trước ngày 1/11 hàng năm...

Thông tư này có hiệụ lực thi hành kể từ ngày 3/2/2017./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục