Quý I/2017, tăng trưởng GDP đạt 5,1%

12:56' - 29/03/2017
BNEWS Tăng trưởng GDP quý I năm 2017 đạt 5,1% cho thấy kinh tế có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,48% của cùng kỳ năm 2016.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, quý I/2017, tăng trưởng GDP đạt 5,1%. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I năm 2017 vào sáng 29/3, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Lâm cho biết, tăng trưởng GDP quý I năm 2017 đạt 5,1%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này cho thấy kinh tế có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,48% của cùng kỳ năm 2016.
Giải thích nguyên nhân này, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho rằng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,03% so cùng kỳ năm trước, cao hơn quý I năm 2016 song vẫn thấp nhất kể từ năm 2011 tới nay.
Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,17% so cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong giai đoạn 2011 đến nay và thấp hơn cả 2 năm nền kinh tế rất khó khăn đó là năm 2013 và 2014 do ngành công nghiệp khai khoáng giảm 10%, cũng là năm có mức giảm lớn nhất.

Các ngành công nghiệp và xây dựng đều có mức tăng thấp hơn so với mức tăng của quý I/2016. Điều này đã kéo tốc độ tăng của cả khu vực xuống thấp hơn mức tăng của năm 2016 là 2,99 điểm phần trăm, ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng chung của GDP.
Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết, xét về các ngành thì ngoài ngành công nghiệp khai khoáng có mức tăng trưởng âm, các ngành công nghiệp còn lại và xây dựng có mức tăng thấp hơn so với quý I/2016; hoạt động nông nghiệp tuy còn gặp nhiều khó khăn… Tuy nhiên, tăng trưởng đang trên đà phục hồi, khu vực dịch vụ tăng trưởng tốt, hầu hết các ngành, lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn so với quý I/2016.
Theo đó, khu vực dịch vụ tăng 6,52% so cùng kỳ năm trước và đạt mức cao nhất kể từ năm 2012 trở lại đây. Ở khu vực này, hầu hết các ngành kể cả dịch vụ kinh doanh và các ngành hoạt động chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước vẫn duy trì được mức tăng trưởng tốt và cao hơn so với quý I/2016.
Kim ngạch xuất khẩu quý I ước đạt 43,7 tỷ USD, tăng 12,8% với một số mặt hàng chủ lực vẫn tăng cao như: điện tử máy tính và linh kiện tăng 42,3%, hàng dệt may tăng 10,2%, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 34,6% …
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện quý I năm 2017 theo giá hiện hành ước đạt 297.800 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2016. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 80.500 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I/2017 ước tính đạt 921.100 tỷ đồng, tăng 9,18% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tốc độ tăng là 6,2%, thấp hơn mức tăng 7,5% của quý I năm 2016. Điều này phản ánh tổng cầu và sức mua của nền kinh tế vẫn tăng nhưng có dấu hiệu chậm hơn so với quý I năm 2016.
Cũng trong quý I/2017, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 35.749 doanh nghiệp; trong đó, có 26.478 doanh nghiệp thành lập mới và 9.271 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Đối với số doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký là 271.238 tỷ đồng, tăng 11,4% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp cho rằng, trong quý I, quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa đang giảm dần, dẫn đến giá trị của doanh nghiệp thấp đi.
Ông Hà Quang Tuyến cho biết thêm, liên quan đến đầu tư và tăng trưởng, kinh tế quý I vẫn chủ yếu dựa vào vốn, tuy nhiên, gần đây đóng góp vốn đang giảm dần từ 60% xuống 55%, vốn vay ưu đãi chiếm tỷ trọng thấp, vốn nhà nước chỉ chiếm 34-35%, còn lại là các thành phần vốn tư nhân và FDI nên nếu thiếu hụt vốn đầu tư từ nhà nước, thì giải pháp sẽ là tăng huy động vốn từ khu vực ngoài nhà nước, cùng với đó, tránh đầu tư dàn trải, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Nhận định chung về tình hình kinh tế - xã hội trong quý 1, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng đã có những yếu tố tích cực như: xuất khẩu, thu hút khách du lịch quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá; môi trường kinh doanh được cải thiện; các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả nhất định; thiếu đói trong nông dân giảm mạnh cả về số hộ và số nhân khẩu so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, nhìn chung, tình hình kinh tế các tháng còn lại của năm 2017 sẽ có nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi. Với kế hoạch tăng trưởng 6,7% năm 2017 dự kiến khó đạt nếu nền kinh tế không có sự bứt phá trong các quý còn lại. Bên cạnh đó, các cân đối lớn như nợ công/GDP, tích lũy, tiêu dùng sẽ gặp khó khăn trong các năm sau…
“Do đó, Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội phải chủ động, linh hoạt chỉ đạo điều hành để vượt qua khó khăn, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua..”, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục