Rào cản đối với nỗ lực phát triển năng lượng sạch của New Zealand

05:30' - 09/07/2018
BNEWS New Zealand nỗ lực gây dựng hình ảnh một quốc gia “xanh, sạch” với mục tiêu trở thành nền kinh tế phát triển đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện.
New Zealand sẽ cần hệ thống pin lớn, năng lượng gió và năng lượng Mặt trời bổ sung. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, tham vọng này còn phải đối mặt với nhiều khó khăn phía trước. Nhiều bộ lạc thổ dân Maori sống ở khu vực Rotorua, khi chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, đã nhận thấy rằng các nguồn năng lượng địa nhiệt tại đây không đủ nóng để tạo ra điện.

Vì vậy, bộ lạc Ngaati Kea Ngaati Tuara đã xây dựng các cơ sở thủy điện nhỏ để phục vụ cho nhu cầu của các khu tập trung và trang trại bò sữa. 
Song các cơ sở này gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động trong điều kiện lũ lụt và nhu cầu điện tăng cao, theo giám đốc dự án này Eugene Berryman-Kamp. Ông này nói thêm, dù việc đầu tư vào pin có thể giúp lưu trữ năng lượng để sử dụng trong giai đoạn cao điểm, tuy nhiên, hiện nhu cầu vẫn chưa đủ lớn để rót tới hơn 10.000 USD vào lĩnh vực này.
New Zealand, với những nỗ lực nói “không” với than đá và khí tự nhiên trong sản xuất điện, có thể sẽ phải đối mặt với các vấn đề tương tự trên quy mô quốc gia và chi phí có thể lên đến hàng tỷ USD. 
Ông Marc England, Giám đốc điều hành của công ty bán lẻ năng lượng lớn nhất New Zealand và sở hữu nhà máy phát điện lớn thứ 4 nước này - Genesis Energy, nhận định rằng nếu chính phủ hành động quá vội, người tiêu dùng nước này có thể phải trả tiền tiêu thụ điện năng nhiều hơn và điều này có thể khiến thị trường New Zealand trở nên kém cạnh tranh hơn.
Các quốc gia đã hoàn toàn sản xuất điện bằng năng lượng tái tạo - như Na Uy và Đan Mạch - được kết nối với lưới điện khu vực, để bù đắp nguy cơ thiếu hụt. Trong khi đó, New Zealand, ở vùng Nam Thái Bình Dương xa xôi, lại không có nguồn dự phòng tương tự. 
New Zealand sẽ cần hệ thống pin lớn, năng lượng gió và năng lượng Mặt trời bổ sung, và có thể vẫn cần sử dụng khí tự nhiên hoặc than đá để ngăn chặn sự cố mất điện.
Những khoản đầu tư như vậy sẽ đẩy chi phí tăng vọt và có thể làm phật lòng các cử tri đã bầu cho Thủ tướng Jacinda Ardern vào năm ngoái, một phần do cam kết chống biến đổi khí hậu của bà. 
Thủ tướng Ardern hồi tháng Tư cho biết Chính phủ New Zealand đã tạm ngừng cấp phép mới cho các hoạt động thăm dò dầu khí ngoài khơi như một phần nỗ lực chuyển đổi ngành sản xuất điện nước này sang năng lượng tái tạo vào năm 2035.
Các nhà quan sát cho rằng mục tiêu của bà Ardern sẽ đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn vào các năng lượng tái tạo, mở rộng lưới điện, và cải cách ngành bơ sữa vốn chiếm vai trò rất lớn trong xuất khẩu của New Zealand. Năng lượng của ngành này chủ yếu dựa vào than đá và là nguyên nhân gây tăng giá điện quốc gia.
Theo tập đoàn nghiên cứu Sapere, mục tiêu của Wellington sẽ đòi hỏi giá bán buôn điện tăng đến 60% lên khoảng 100 NZD (70 USD) cho mỗi megawatt-giờ (MWh), đưa New Zealand vào nhóm các nước có giá điện cao nhất trên thế giới. 
Điều này sẽ phá hủy một lợi thế quan trọng của ngành nông nghiệp và công nghiệp New Zealand, nơi mà phụ tải điện hiện ở mức thấp hơn khoảng 25% so với bang New South Wales và Victoria của Australia – những nơi có chi phí sản xuất điện tăng quá cao khiến một số nhà sản xuất phải đóng cửa.
Chính phủ của Thủ tướng Ardern đang phải đối mặt với sự phản đối từ nhiều ngành công nghiệp và chính trị gia, song dường như điều đó không thể đẩy lùi những nỗ lực gây dựng một di sản về chống biến đổi khí hậu. 
Wellington đặt mục tiêu lượng khí phát thải carbon trung tính vào năm 2050 (tức là không phát thải lượng khí CO2 nhiều hơn mức mà sinh quyển có thể hấp thụ). Bà Ardern mô tả mục tiêu này tương tự như nỗ lực chống chiến tranh hạt nhân của các chính phủ tiền nhiệm.
Bộ trưởng Bộ Biến đổi Khí hậu James Shaw đã thành lập một ban hội thẩm để xây dựng kế hoạch về phát thải carbon trung tính vào giữa năm 2019. 
Trả lời hãng tin Reuters, ông Shaw nói với Reuters rằng cần nhiều nguồn năng lượng tái tạo và phương pháp lưu trữ tiềm năng để thay thế các máy phát điện bằng nhiên liệu hóa thạch cũ, cũng như các sáng kiến về năng lượng hiệu quả để đáp ứng tốt hơn nhu cầu (tiêu thụ điện). 
Hiện nay New Zealand sản xuất hơn 80% điện năng từ năng lượng tái tạo, chủ yếu là thủy điện. 14% lượng điện khác có nguồn gốc từ khí thiên nhiên và 3% là từ than đá.
Tập đoàn Fonterra Co-operative Group là nhà xuất khẩu sữa hàng đầu thế giới và cũng là một trong những công ty tiêu thụ năng lượng lớn nhất tại New Zealand. Đến 2/3 điện năng mà công ty này tiêu thụ xuất phát từ nhiên liệu hóa thạch
Fonterra đang cố gắng giảm sử dụng than đá, song một sự thay đổi "đòi hỏi vốn đầu tư đáng kể", theo giám đốc điều hành (COO) Robert Spurway. Ông Spurway nhấn mạnh điều tối quan trọng đối với Fonterra là giải quyết tình trạng trên để duy trì tính cạnh tranh trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, thách thức không nhỏ mà Chính phủ New Zealand phải đối diện là trong khi phần lớn dân số và các ngành công nghiệp nằm trên Đảo Bắc, hầu hết các nhà máy thủy điện đều nằm ở Đảo Nam. Điều này làm tăng rủi ro mất điện trong trường hợp các dây cáp nối hai hòn đảo bị hư hỏng.
Thực tế là trong nhiều thập kỷ, New Zealand đã phải sử dụng than như một loại năng lượng dự phòng cho thủy điện, Giám đốc điều hành Genesis Energy, ông Marc England cho hay. 
Nhà máy điện lớn nhất của New Zealand - Huntly, thuộc sở hữu của Genesis, đã đóng cửa các cơ sở sử dụng than vào năm 2018, tuy nhiên, công ty đối thủ Meridian Energy đã đồng ý trả tiền cho Genesis để duy trì hoạt động của các cơ sở này (để dự phòng) ít nhất cho đến năm 2022.
Genesis cho biết pin năng lượng chưa phải là một lựa chọn dự phòng mang tính kinh tế, nhất là trong những đợt hạn hán kéo dài. Các hồ chứa ở New Zealand có thể trữ lượng nước lên đến 8 tuần, trong khi tại Na Uy – quốc gia phụ thuộc phần lớn vào thủy điện, con số này vào khoảng 2 năm.
Nhiều nhà phân tích tin tưởng vào sự khả thi và lợi ích của các kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ New Zealand, tuy nhiên, theo ông Marc England, việc sử dụng phương tiện chạy bằng điện (EV) thay cho loại dùng xăng dầu sẽ đem lại hiệu quả nhiều hơn so với việc sản xuất điện năng bằng 100% năng lượng tái tạo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục