Robot mang lại niềm vui cho người cao tuổi Nhật Bản

14:11' - 28/03/2018
BNEWS Trong những năm gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ cho việc phát triển các robot chăm sóc người cao tuổi nhằm giúp lấp đầy "khoảng trống" khoảng 380.000 lao động chuyên môn vào năm 2025.

Trong khi Paro, chú robot dễ thương trong hình dáng của một chú hải cẩu con với bộ lông mềm mịn, đang nũng nịu "khóc nhè" với một cụ bà, thì robot Pepper với giọng nói trẻ con trong trẻo đang bắt nhịp cho một nhóm các cụ ông, cụ bà tập thể dục. Thi thoảng, Pepper lại cất giọng nói dễ thương động viên các cụ: "Trái, phải, các cụ làm tốt lắm".

 Robot Paro (phải) mang đến niềm vui cho người cao tuổi tại Kesennuma, tỉnh Miyagi, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là những hình ảnh thường ngày có thể dễ dàng bắt gặp tại Viện dưỡng lão Shintomi ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản), nơi đang đưa vào sử dụng 20 mẫu robot khác nhau để chăm sóc và mang lại niềm vui cho những người cao tuổi.

Người Nhật lâu nay nổi tiếng với bí quyết trường thọ. Tuy nhiên, nước này cũng đang đối mặt với tình trạng dân số già thuộc hàng đứng đầu thế giới.

Thống kê của chính phủ cho thấy Nhật Bản hiện có hơn 33 triệu người trên 65 tuổi, chiếm khoảng hơn 26% dân số. Với việc thúc đẩy nghiên cứu phát triển các loại robot phục vụ và chăm sóc người cao tuổi cả về thể chất lẫn tinh thần, Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng sẽ tận dụng được những tiến bộ công nghệ này để góp phần nâng cao chất lượng sống cho các cụ già, giải quyết tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt lực lượng lao động.

Cho phép robot chăm sóc người cao tuổi - một công việc thường được xem là đòi hỏi sự kết nối giữa con người - có thể là một ý tưởng táo bạo ở các nước phương Tây, song nhiều người Nhật lại nhìn điều này một cách tích cực.

"Những con robot này thật tuyệt vời", cụ Kazuko Yamada, 84 tuổi, đã chia sẻ như vậy sau buổi tập thể dục với Pepper, robot do Tập đoàn SoftBank Robotics sản xuất có khả năng thực hiện các cuộc đối thoại. Cụ cho biết ngày càng có nhiều người sống một mình, và một con robot có thể làm bạn với họ cũng như mang lại niềm vui trong cuộc sống.

Dù mang lại nhiều điều tích cực, song việc phát triển và đưa những con robot "thú cưng" vào việc chăm sóc người cao tuổi cũng đối mặt nhiều trở ngại như chi phí đắt đỏ, các vấn đề an toàn, và những hoài nghi về tính hữu dụng của những con robot.

Đơn cử như Paro, chú hải cẩu bông này có thể phản ứng khi được vuốt ve, hay những câu hiệu lệnh của chủ nhân bằng cách di chuyển đầu, nhấp nháy mắt và cất tiếng khóc như một chú hải cẩu thực sự. Để phát triển Paro, nhà phát minh Takanori Shibata thuộc Viện Công nghệ và khoa học công nghiệp tiên tiến đã phải mất hơn 10 năm để phát triển với 20 triệu USD hỗ trợ của chính phủ.

Giá của một chú Paro không hề rẻ khi lên tới 400.000 yên (tương đương 3.800 USD) ở Nhật Bản và khoảng 5.000 euro (6.200 USD) ở châu Âu. Hầu hết chi phí thí điểm đều do chính phủ tài trợ cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, ông Kimiya Ishikawa, Chủ tịch Tập đoàn phúc lợi xã hội Silverwing, công ty điều hành Viện dưỡng lão Shintomi, cũng thừa nhận cho đến nay, các robot chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ cho các nhân viên tại đây, song chưa thể thay thế hoàn toàn con người trong nhiều hoạt động chăm sóc người cao tuổi.

Theo ông, mục đích của những chú robot là nhằm cải thiện môi trường làm việc, cũng như vực dậy tinh thần vui tươi cho những người già tại các trung tâm chăm sóc người cao tuổi.

 Robot Pepper hướng dẫn các bệnh nhân tại bệnh viện ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong những năm gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ cho việc phát triển các robot chăm sóc người cao tuổi nhằm giúp lấp đầy "khoảng trống" khoảng 380.000 lao động chuyên môn vào năm 2025.

Mặc dù Nhật Bản đã "bật đèn xanh" cho phép người lao động nước ngoài làm việc tại các viện dưỡng lão, song lao động trong lĩnh vực này vẫn thiếu hụt, một phần do vấn đề ngôn ngữ. Vào cuối năm ngoái, chỉ có 18 lao động nước ngoài được cấp thị thực và làm việc chăm sóc người già.

Hiện giới chức Nhật Bản đang đặc biệt chú ý đến tiềm năng xuất khẩu của ngành công nghiệp này sang các nước như Đức, Trung Quốc hay Italy. Một số sản phẩm đã được xuất khẩu ra nước ngoài, như Tập đoàn Panasonic Corp đã cung cấp robot giường nằm dành cho người khuyết tật, có thể biến thành một chiếc xe lăn, sang Đài Loan (Trung Quốc). Trong khi đó, Paro được sử dụng như những "thú cưng trị liệu" cho hàng trăm người cao tuổi ở Đan Mạch.

Theo Liên đoàn Robot quốc tế, thị trường robot chăm sóc và hỗ trợ người tàn tật trên toàn cầu, chủ yếu do các công ty Nhật Bản chiếm đa số, vẫn còn rất khiêm tốn khi chỉ đạt 19,2 triệu USD trong năm 2016.

Tuy nhiên, Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản ước tính vào năm 2035, ngành công nghiệp này chỉ riêng tại Nhật Bản sẽ đạt giá trị 400 tỷ yen (3,8 tỷ USD), khi hơn 30% dân số Nhật Bản ở độ tuổi trên 65./.

>>>Hàn Quốc phát triển robot giao đồ ăn tại nhà

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục