Rủi ro tỷ giá ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp Việt tại Nga

18:45' - 19/11/2015
BNEWS Việc tiếp cận thị trường Nga không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Nga chưa có dấu hiệu hồi phục, sự phụ thuộc vào giá dầu khiến tỷ giá của đồng ruble với ngoại tệ dao động mạnh.
Lễ cắt băng khai mạc Hội chợ "Hàng Việt Nam chất lượng cao" tại Nga. Ảnh: Duy Trinh/TTXVN

Trung tuần tháng 11, tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Moskva (Incentra) ở thủ đô Moskva, đã diễn ra hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại, từ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Liên bang Nga, các cuộc tiếp xúc, hội thảo và nhất là Hội chợ - Bán hàng “Hàng Việt Nam chất lượng cao Moskva 2015”.

Sự kiện đã gây được tiếng vang khá lớn, thu hút nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang tìm hiểu thị trường Nga, cũng như các doanh nghiệp Nga muốn làm ăn với đối tác Việt Nam trong bối cảnh Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á - Âu nhiều khả năng sẽ có hiệu lực vào quý I/2016.

Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rõ rằng việc tiếp cận thị trường Nga không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Nga chưa có dấu hiệu hồi phục, sự phụ thuộc vào giá dầu khiến tỷ giá của đồng ruble với ngoại tệ dao động mạnh.

Có thể nói, vấn đề đáng lo ngại nhất khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nga là tỷ giá hối đoái và phương thức thanh toán.

Ông Trần Đăng Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Milton, doanh nghiệp lâu năm có uy tín tại Liên bang Nga, cho biết: "Tỷ giá không ổn định ảnh hưởng rất nhiều tới các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu (vào LB Nga).

Đối với doanh nghiệp chúng tôi, tuy sản xuất trong nước Nga song nguyên liệu, phụ kiện phần lớn nhập từ nước ngoài. Việc tỷ giá thay đổi khiển cho việc định giá sản phẩm rất khó khăn".

Ông Chung cũng đưa ra một số phương án giải quyết vấn đề này: "Theo tôi, các doanh nghiệp sản xuất ở Nga có những lợi thế nhất định so với các doanh nghiệp nhập khẩu hoàn toàn. Vì trong giá thành sản phẩm bao gồm giá thành nguyên vật liệu và giá thành nhân công. Tuy tỷ giá thay đổi song chúng tôi trả lương cho công nhân sở tại bằng ruble".

Một trong những vướng mắc của doanh nghiệp khi lưu thông ở Nga đó là bán hàng theo phương pháp trả chậm. Ông Chung cho biết: "Đối với bán hàng trả chậm, việc đồng ruble mất giá rất nguy hiểm. Chúng tôi có giải pháp là trong hợp đồng ghi rõ rằng nếu tỷ giá thay đổi trong phạm vi nhất định nào đó, thí dụ như trên 5% hay 10% thì giữa người bán và người mua sẽ thương lượng lại".

Ông Dmitry Gerasimov, Tổng giám đốc công ty Amifish - đối tác chuyên nhập khẩu, tiêu thụ hàng thủy hải sản cho Công ty CP Hùng Vương - cho biết: "Chúng tôi đã hợp tác với Hung Vuong Corp hơn 6 năm và nỗ lực thanh toán theo quy định trong hợp đồng, nhanh chóng và đúng hạn. Nghĩa là khi nhận được hàng chúng tôi sẽ ngay lập tức trả tiền".

Ông Gerasimov cũng cho biết hiện công ty của ông đang xúc tiến mở rộng kinh doanh sang mặt hàng cà phê và hàng đóng hộp của Việt Nam.

Một kênh khác nhằm giảm bớt những rủi ro cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng sang LB Nga là thông qua phương phức thanh toán song phương giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB).

Rõ ràng, việc xâm nhập thị trường Nga vẫn sẽ mở ra nhiều cơ hội hấp dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt khi FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) sắp có hiệu lực.

Tuy nhiên, phần thưởng cũng sẽ chỉ dành cho cách doanh nghiệp dám dấn thân và có những bước đi chắc chắn, thận trọng.

Duy Trinh - Quang Vinh (Pv TTXVN tại Moskva)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục