Sản lượng than tăng tại các nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới

05:34' - 28/06/2017
BNEWS Tập đoàn dầu khí BP (Vương quốc Anh) thông báo sản lượng than thế giới giảm 6,5% trong năm 2016, mức giảm lớn nhất trong lịch sử.
Các quốc gia tiêu thụ than lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ đã tăng cường hoạt động khai thác than trong năm 2017, sau đợt giảm giá kỷ lục năm 2016, một bước lùi đối với những nỗ lực hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Số liệu về hoạt động khai khoáng mà AP đánh giá cho thấy sản lượng than ở ba quốc gia nói trên trong giai đoạn từ tháng 1-5/2017 tăng ít nhất 121 triệu tấn (tương đương 6%) so với cùng kỳ năm 2016. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, sản lượng than của nước này trong giai đoạn từ tháng 1-5/2017 tăng 19% so với cùng kỳ năm 2016.
Mới đây, tập đoàn dầu khí BP (Vương quốc Anh) thông báo sản lượng than thế giới giảm 6,5% trong năm 2016, mức giảm lớn nhất trong lịch sử. Trung Quốc và Mỹ chiếm tới hầu hết mức giảm này trong khi sản lượng than của Ấn Độ lại tăng.
Theo các chuyên gia trong ngành, những lý do dẫn tới tình thế đảo ngược của hoạt động sản xuất than trong năm 2017 bao gồm sự thay đổi chính sách ở Trung Quốc, sự biến chuyển trên các thị trường năng lượng của Mỹ và Ấn Độ đẩy mạnh sản xuất điện để cung cấp cho người nghèo. Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ sản xuất khoảng 2/3 sản lượng than thế giới, nhưng cả Trung Quốc và Ấn Độ đều phải nhập khẩu than để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Theo Dự án Carbon Toàn cầu, than chiếm xấp xỉ 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính phát thải từ các loại nhiên liệu hóa thạch được sử dụng. Đến nay, Trung Quốc là nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới, tiêu thụ 50% sản lượng than thế giới.
Trung Quốc cam kết đưa ra mức trần lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 và một số ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu này vào năm 2020. Nhà phân tích năng lượng cao cấp Xizhou Zhou của IHS Markit, có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc), cho hay sự gia tăng sản lượng than mới đây đã làm dấy lên những nghi ngại về sự lạc quan nói trên song Trung Quốc vẫn kỳ vọng có thể hoàn thành mục tiêu vào năm 2030.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục