Sản phẩm khởi nghiệp khó tìm được kênh phân phối

14:02' - 24/10/2017
BNEWS Để có được một miếng bánh thị phần là chuyện không hề dễ dàng, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp ngành hàng tiêu dùng và thực phẩm muốn tìm một chỗ đứng trong kênh bán lẻ hiện đại - siêu thị.
Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối. Ảnh : Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Mặc dù lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh với quy mô thị trường có thể đạt tới 180 tỷ USD trong vòng 3 năm tới.

Tuy nhiên, để có được một miếng bánh thị phần là chuyện không hề dễ dàng, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp ngành hàng tiêu dùng và thực phẩm muốn tìm một chỗ đứng trong kênh bán lẻ hiện đại - siêu thị.

Đây là chia sẻ của các khởi nghiệp (startup) tại “Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 24 /10 tại Hà Nội.
Đại diện Bộ Công Thương cho hay, hội thảo nhằm thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để hỗ trợ các doanh nghiệp, sản xuất Việt Nam tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.

Cùng với đó, tạo nguồn cung hàng Việt cho hệ thống phân phối và điều kiện đưa các sản phẩm Việt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng, qua đó hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững.
Theo quy hoạch mạng lưới siêu thị cả nước của Bộ Công Thương, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 1.500 siêu thị, đồng nghĩa dư địa phát triển của kênh siêu thị còn rất lớn.

Yêu cầu đầu vào cao, phải có chứng nhận chất lượng, y tế hay nhãn dán hàng hóa… là những thử thách mà các doanh nghiệp khởi nghiệp vấp phải. Ngay cả những doanh nghiệp khởi nghiệp ở quy mô lớn, đường đưa hàng đến siêu thị cũng không hề dễ.
Ông Lê Ngọc Anh là người sáng lập Thương hiệu nước mắm Lê Gia cho biết, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cực kỳ khó khăn. Không những thế, khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nước mắm truyền thống còn khó khăn gấp bội.

Chẳng hạn như câu chuyện phân phối, những người sản xuất nhỏ như nước mắm Lê Gia sẽ rất khó để tiếp hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp, bởi vì chiết khấu, cộng nợ, điều khoản giao hàng và rất nhiều điều khoản khác. Vì vậy, muốn đứng vững trên thị trường, trước tiên các doanh nghiệp như Lê Gia phải tự mày mò để tồn tại trước khi phát triển.
Còn theo ông Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc Công ty CP nông nghiệp thế hệ mới, Việt Nam hiện vẫn chưa có hệ thống tiêu chuẩn đối với nông sản hữu cơ, chưa có hệ thống chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Chính vì thế, khi doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường phải tự thuyết phục từng khách hàng sử dụng để họ biết đến đây là sản phẩm hữu cơ. Mặc dù một lượng lớn khách hàng tin vào cách làm đó thì người ta sử dụng nhưng khi mang câu chuyện đó đến nhà phân phối thì người ta rất khó chấp nhận.
Về vấn đề tìm kênh phân phối hiện đại, rõ ràng doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ khó thuyết phục được các kênh phân phối để đưa hàng vào. Ngược lại, muốn có quy mô lớn, doanh nghiệp phải bán được hàng, mở rộng sản xuất.

Câu chuyện chính ở đây vẫn ở vai trò của nhà phân phối. Nhận định về vấn đề này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam nhấn mạnh: "Chúng tôi rất vui mừng vì có sự tham gia của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây chính là cầu nối tạo đầu ra cho sản phẩm đến được với tay người tiêu dùng góp phần thúc đẩy sản xuất và tạo chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm."
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, phần lớn các nhà khởi nghiệp hiện nay vẫn chỉ có duy nhất kênh internet như Facebook hay website để tiếp cận người tiêu dùng.

Về lâu dài, họ mong muốn có một chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hàng hóa vào hệ thống siêu thị. Bởi, những sản phẩm của startup luôn có sự sáng tạo, sự đầu tư về chất xám lớn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục