Sản xuất đường gián đoạn vì thiếu nguyên liệu

11:26' - 06/11/2015
BNEWS Giá mía, giá đường liên tục giảm mạnh, người dân sản xuất không có lãi, dẫn đến việc thu hẹp diện tích trồng mía khoảng 6.000 ha, gây thiếu nguyên liệu sản xuất đường cho các nhà máy.
Thu mua mía để sản xuất đường thực phẩm. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) tỉnh Hậu Giang cho biết, tuy nhà máy mới vào vụ sản xụất hơn 1 tháng nhưng có đến 5 lần bị gián đoạn vì thiếu nguyên liệu.

Không riêng ở Hậu Giang mà đây là thực trạng chung của các nhà máy đường khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo nhận định, nhiều khả năng xảy ra đói nguồn nguyên liệu trầm trọng vào cuối vụ, không ít nhà máy đường sản xuất khó đạt kế hoạch đề ra.
Theo các nhà máy đường, nguyên nhân chính là diện tích mía vùng Đồng bằng sông Cửu Long vụ này giảm khoảng 6.000 ha, trong khi đó, giá đường trên thị trường gần đây nhích lên. Đường nhập lậu bị kiểm soát chặt, lượng đường tồn khô tại các nhà máy ít. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ đường trên thị trường tăng, nhất là vào dịp cuối năm, lễ, tết…

Hiện giá đường dao động từ 14.200 - 14.500 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Giá đường ở mức cao kéo theo giá thu mua mía nguyên liệu trong dân tiếp tục tăng.

Theo ngành mía đường, vụ mía 2015 vùng Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất khoảng 42.000 ha, giảm 6.000 ha so với vụ trước. Diện tích giảm mạnh do một bộ phận người dân chuyển cây mía sang trồng cây con khác.

Thu hoạch mía. Nguồn: TTXVN

Nhiều năm qua giá mía, giá đường liên tục giảm mạnh, người dân sản xuất không có lãi. Nhưng ngược lại, vụ này giá đường trên thị trường tăng cao.

Trái ngược với tâm lý lo lắng của các nhà máy đường, người trồng mía ở Hậu Giang rất phấn khởi bởi giá mía đứng ở mức cao, lãi khá. Cụ thể, hiện mía 10 chữ đường được các nhà máy thu mua với giá từ 1.000 - 1.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với cùng kỳ. Với giá này, người trồng mía đạt lợi nhuận 30 - 40 triệu đồng/ha. Những nông dân canh tác giỏi (thành viên Câu lạc bộ 200 tấn/ha) thì có thể đạt 60 -70 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Giá mía nguyên liệu năm nay đứng ở mức cao, dẫn đến tình trạng tranh giành nguồn liệu giữa các nhà máy, thương lái trong và ngoài tỉnh. Thống kê ngành mía đường, vụ mía 2015 vùng Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất khoảng 42.000 ha, giảm 6.000 ha so với vụ trước.

Nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy đường trên địa bàn, tỉnh Hậu Giang chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi, giám sát chặt tiến độ thu hoạch mía. Đối với diện tích mía đã được nhà máy bao tiêu, nhà nông phải giữ đúng hợp đồng, không tùy tiện đơn phương bán nguyên liệu cho thương lái ngoài tỉnh.

Về phía nhà máy cam kết sẽ mua đúng theo giá thị trường, theo hướng có lợi nhất cho người dân. Đồng thời tỉnh chỉ đạo ngành chức năng giám sát việc thu mua, đo chữ đường cho người dân, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân./.
Huỳnh Sử /TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục