Sản xuất sạch trên xã đảo Long Hòa

12:19' - 25/02/2017
BNEWS Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và gắn với việc bảo vệ môi trường, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu đang được xã đảo Long Hòa, huyện Châu Thành (Trà Vinh) tập trung thực hiện.
Sản xuất sạch trên xã đảo Long Hòa. Ảnh minh họa: TTXVN

Với mô hình sản xuất lúa sạch hữu cơ sinh học kết hợp nuôi trồng, khai thác thủy sản tự nhiên đã mang lại mức thu nhập tăng thêm cho nông dân từ 50 -150 triệu đồng/ha so với nuôi tôm quảng canh trước đây.

Nằm giữa sông Cổ Chiên, đất sản xuất xã Long Hòa chịu phải chịu nhiễm mặn vào mùa khô hàng năm nên việc trồng lúa trước đây vào mùa mưa hiệu quả rất bấp bênh. Vì vậy, phần lớn diện tích được người dân chuyển sang nuôi trồng thủy sản.

Tuy vậy, việc nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng mỗi năm 2 – 3 vụ không đảm bảo tốt về điều kiện môi trường nước đã dẫn đến nhiều rủi ro. Nghề nuôi tôm vụ được mùa vụ thất bại, không ít nông dân ở Long Hòa rơi cảnh thua lỗ trắng tay.

Trước tình hình đó, để giúp người dân sản xuất đảm bảo về hiệu quả và bền vững, xã Long Hòa đã mạnh dạn nhờ các nhà khoa học khảo sát, nghiên cứu thực hiện mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện đất đai địa phương.

Kết quả, mô hình trồng lúa hữu cơ sinh học kết hợp với nuôi trồng và khai thác thủy sản tự nhiên đã khẳng định tính ưu thế, bền vững về hiệu quả kinh tế.

Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Mười cho biết, năm 2014, nông dân trong xã bắt đầu làm quen với mô hình sản xuất lúa hữu cơ sinh học. Hơn 30 ha trồng lúa hữu cơ sinh học được Công ty TNHH dịch vụ - du lịch Hồng Tin (Thành phố Hồ Chí Minh) hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.

Lúa hữu cơ sinh học được đơn vị bao tiêu thu mua cao hơn lúa thường từ 1.500 – 2.000 đồng/kg. Trên ruộng lúa, nông dân thả nuôi tôm càng xanh, các loại cá cho thu nhập thêm 50-70 triệu đồng/ha.

Từ thành công của mô hình, trong năm 2015 và 2016, diện tích sản xuất lúa hữu cơ sinh học đã nhân rộng lên 123 ha và có thêm 2 đơn vị tham gia bao tiêu sản phẩm với nông dân là Công ty VIOSA và Công ty Cọp sinh thái.

Trong thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ sinh học không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên nguồn lợi thủy sản tự nhiên xuất hiện nhiều hơn như tép bạc đất và cá đối… nhờ môi trường sinh trưởng sạch.

Theo ông Lâm Thành Chín, ấp Rạch Gốc, xã Long Hòa, với diện tích 1,3 ha đất nuôi tôm trước đây, ông đào ao xung quanh diện tích đất còn lại khoảng 1 ha trồng lúa sạch hữu cơ giống ST5. Vụ lúa 2016, ông thả 6.000 con tôm càng xanh toàn đực.

Vụ sản xuất này, ông thu hoạch vụ lúa được 4,3 tấn/ha, bán với giá 8.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 30 triệu đồng. Ông còn thu được trên 120 kg tôm càng xanh, bán với giá 250.000-300.000 đồng/kg và 25 triệu đồng từ nguồn khai thác cá tự nhiên trong ruộng lúa.

Ngoài ra, mô hình sản xuất lúa hữu cơ sinh học được nông dân Long Hòa tận dụng tối đa diện tích mặt nước để nuôi thủy sản. Từ tháng 1 đến tháng 2 nông dân bắt đầu thả giống tôm càng xanh nuôi dưỡng trong mương trên ruộng lúa.

Khi tôm được 5 - 6 tháng là thời điểm bắt đầu xuống giống lúa, giai đoạn này mưa nhiều nước đầy mặt ruộng, tôm càng theo nước lên ruộng sinh sống.

Sau hơn 3 tháng lúa thu hoạch cũng là lúc nông dân thu hoạch tôm càng xanh theo hình thức bắt tỉa. Riêng nguồn lợi thủy sản tự nhiên có trong ruộng lúa được nông dân sử dụng các lú đặt ngay tại các miệng cống theo chu kỳ con nước lớn - ròng.

Qua tổng kết mô hình sản xuất lúa sạch hữu cơ sinh học mùa vụ 2016, có 100% hộ tham gia đều có thu nhập cao gấp 4-7 lần so với chi phí đầu từ ban đầu.

Hiện nay, đối với vùng đất sản xuất ở hai xã đảo Long Hòa và Hòa Minh của huyện Châu Thành rất thuận lợi cho việc phát triển mô hình sản xuất lúa hữu cơ sinh học kết hợp nuôi thủy sản và hiện tại UBND xã Long Hòa đang chuẩn bị đủ các điều kiện để nhân rộng diện tích, xây dựng thương hiệu hạt lúa sạch Long Hòa.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Mười, để được công nhận lúa sạch theo hướng hữu cơ sinh học đòi hỏi vùng đất sản xuất phải trải qua ít nhất 3 mùa vụ và triển khai để lấy mẫu kiểm tra. Vừa qua, các công ty liên kết sản xuất đã gửi mẫu vụ thứ nhất để kiểm tra và kết quả đạt tiêu chuẩn.

Đây là một tín hiệu vui và cũng khẳng định chất lượng an toàn của hạt lúa hữu cơ sinh học trên vùng đất Long Hòa.

Ông Phạm Văn Mười dự kiến trong 3 năm tới, xã Long Hòa sẽ xây dựng cánh đồng lúa hữu cơ sinh học rộng 500 ha, xây dựng thương hiệu cho hạt lúa, giúp nông dân nâng cao giá trị sản xuất, đảm bảo sự bền vững và làm giàu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục