Sản xuất theo chuỗi: Con đường tất yếu

16:54' - 16/02/2018
BNEWS Sản xuất theo chuỗi hay liên kết trong sản xuất là một yêu cầu tất yếu trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Sản xuất theo chuỗi sẽ cho sản phẩm có chi phí thấp nhất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bởi có thể truy suất nguồn gốc và đặc biệt có thể điều tiết sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Khi có sự “kết dính” hoàn chỉnh như vậy sẽ dễ dàng cho việc đưa ra các kế hoạch sản xuất, đầu tư cũng như phát triển thị trường, củng cố uy tín ngành hàng nông sản Việt.

Khi tham gia liên kết, người chăn nuôi luôn được đảm bảo về đầu ra. Ảnh: C.P. Việt Nam

Khi bắt đầu xây dựng các nhà máy chế biến thực phẩm, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã xác định chuỗi khép kín thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn với hệ thống kiểm soát 3F “Feed - Farm - Food”. Trong ba hình thức liên kết công ty đang triển khai hiện nay, phổ biến nhất vẫn là liên kết với nông dân cùng tham gia sản xuất. Với hình thức liên kết này, C.P. Việt Nam sẽ hướng dẫn nông dân cách xây dựng chuồng trại theo tiêu chuẩn của công ty (khép kín, chủ động kiểm soát nhiệt độ bằng hệ thống làm mát, xử lý môi trường) rồi cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi và sẽ mua lại sản phẩm.
Trong chăn nuôi, số vốn đầu tư cho giống vật nuôi cũng tương đương vốn đầu tư chuồng trại. Khi tham gia liên kết như vậy nông dân sẽ được chia sẻ vốn đầu tư với doanh nghiệp. Họ có cơ hội đầu tư mở rộng hơn, hiện đại hơn và cũng không phải lo kỹ thuật, đặc biệt là đầu ra.
Anh Nguyễn Phước Minh ở xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam tham gia liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam từ năm 2009. Với 2 lứa/năm, mỗi lứa anh thu lãi 200 triệu đồng. Nhờ tham gia chuỗi liên kết khép kín với các công ty từ khâu đầu vào đến việc bao tiêu đầu ra, giá được bảo đảm, nên anh vẫn “sống khỏe” ngay cả khi giá lợn xuống mức thấp nhất trong năm vừa qua.
Anh Minh cho biết, công ty sẽ đảm bảo cung cấp các yếu tố đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc thú y, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu đầu ra. Liên kết cùng công ty giúp người chăn nuôi nâng cao trình độ quản lý, được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, khả năng nắm bắt thị trường... Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, có hệ thống làm mát cũng như xử lý chất thải chăn nuôi góp phần đảm bảo yếu tố môi trường.
Sở hữu các nhà máy chế biến thực phẩm ở những khu vực trọng điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, khi nông dân hợp tác như vậy sản phẩm sẽ được tiêu thụ, chế biến, phân phối theo hệ thống hợp tác của C.P. Việt Nam. Khi liên kết, sản phẩm đầu vào chế biến sẽ được kiểm soát tốt các khâu trong sản xuất, đảm bảo về chất lượng và có thể truy suất được nguồn gốc.
Bảo đảm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã cùng nông dân thiết lập gần 3.000 trang trại tại trên 50 tỉnh thành cả nước với các sản phẩm như: lợn thịt, gà thịt, gà đẻ trứng, gà ta và vịt.
Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, hiện công ty vẫn đang hoàn thiện chuỗi 3F bằng cách tiếp tục phát triển thêm các nhà máy chế biến. Công ty mong muốn tiếp tục được hợp tác và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân để họ có việc làm, tăng thu nhập. Nhiều trang trại lớn sau một thời gian hợp tác với công ty nắm vững kỹ thuật, cách quản lý đã tách ra thành lập doanh nghiệp mới.

Với hệ thống kiểm soát 3F, sản phẩm luôn đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: C.P. Việt Nam

Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong chế biến các loại rau củ quả, Công ty cổ phần Vinamit cũng đã sớm liên kết với nông dân để có vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng. Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, với những giải pháp về kỹ thuật, phân bón… tất cả đầu vào sản xuất được sẽ được truyền tải đến với nông dân khi tham gia hợp tác sản xuất, sản phẩm sẽ đáp ứng tốt các yêu cầu về chất lượng mà công ty đưa ra.
Ông Nguyễn Lâm Viên cho hay, thay vì nông dân bán vườn đó cho thương lái thì bán cho doanh nghiệp và sản xuất theo cách của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và nông dân cùng chia sẻ những rủi ro, thành công đã giúp nông dân cảm thấy an toàn hơn, không phải “chạy đua” sản xuất bằng mọi giá.
Với cách hợp tác như vậy, ông Viên vui vẻ nói: “Nông dân vừa là địa chủ vừa là tá điền. Nông dân cho công ty thuê đất và lại làm thuê cho công ty”.
Nhận thấy nhu cầu thị trường sản phẩm hữu cơ đang phát triển rất nhanh, Vinamit đã đầu tư và hướng đến thị trường xuất khẩu. Hiện các sản phẩm hữu cơ của Công ty mới chỉ phục vụ cho xuất khẩu và chiếm 20% sản phẩm xuất khẩu. Sản phẩm được xuất khẩu sang châu Âu và Bắc Mỹ, Thượng Hải (Trung Quốc).
Ông Nguyễn Lâm Viên đánh giá, nhu cầu thị trường sản phẩm hữu cơ rất lớn, hàng năm sẽ tăng từ 5-10 lần chứ không phải ở con số bao nhiều %. Trong nước, người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận sản phẩm rất ít, đúng sản phẩm hữu cơ lại càng ít và đang sử dụng ở mức giá quá cao.
Bởi vậy, năm 2018, Vinamit sẽ tập trung phát triển thị trường nội địa với sản phẩm đạt tiêu chuẩn organic. Ông Viên mong muốn sản phẩm organic phục vụ cho mọi người chứ không chỉ cho nhóm người. Do đó, cách đi của Vinamit là đi bé đến lớn, phát triển hoàn chỉnh ở từng địa phương, không phát triển một cách ồ ạt cùng lúc ở nhiều nơi. Với mong muốn góp phần thay đổi quan niệm sử dụng thực phẩm của người dân, Vinamit cũng sẽ bước chân vào thị trường thực phẩm.
Không chỉ Vinamit hay C.P.Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư vào nông nghiệp cũng xác định phải xây dựng chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ để đảm bảo phát triển bền vững. Để nông sản Việt tạo thêm nhiều giá trị gia tăng, năm 2018, sẽ có thêm hàng loạt các nhà máy chế biến ở các vùng trọng điểm được xây dựng và đi vào hoạt động. Các nhà máy hoạt động hiệu quả chỉ khi có sự kết nối chặt chẽ với vùng nguyên liệu ổn định.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, cái khó hiện nay đó là mở rộng vùng sản xuất, do đó cần đẩy mạnh liên kết trong sản xuất giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, nông dân. Doanh nghiệp giờ không chỉ đầu tư vào nhà máy chế biến mà còn đầu tư cả vùng trồng, khâu sản xuất giống để đảm bảo toàn chuỗi sản xuất chất lượng, hiệu quả.
Nói về hiệu quả từ tái cơ cấu nông nghiệp trong những năm qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tiếp tục khẳng định, phải xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất và theo một nguyên tắc chung đó là chuỗi giá trị tất cả các nhóm ngành hàng. Tất cả đều phải tập trung cao phát triển theo chuỗi, tập trung ứng dụng khoa học công nghệ để “giải” các nút thắt lớn là phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chế biến sâu và mở rộng thị trường tiêu thụ./.

>>>Người chăn nuôi e ngại tái đàn dù giá lợn tăng nhẹ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục