Sản xuất thực phẩm chức năng... chờ quy trình chuẩn

08:32' - 16/09/2015
BNEWS Trong những năm qua, nhu cầu về thực phẩm chức năng trong nước đã có sự bùng nổ mạnh mẽ. Thực phẩm chức năng đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến và sử dụng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia và nhà quản lý, việc sản xuất thực phẩm chức năng ở Việt Nam đang diễn ra hết sức dễ dàng, công thức và thành phần trong sản phẩm còn tùy tiện, thiếu các quy định, hướng dẫn sản xuất chuẩn...

Sản phẩm thực phẩm chức năng trôi nổi được cơ quan công an thu giữ. Ảnh: Sơn Bách/TTXVN

Điều này đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có quy trình, thực hành sản xuất tốt thực phẩm chức năng để đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng.

Theo Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, thực phẩm chức năng là sản phẩm hỗ trợ các chức năng của các bộ phận trong cơ thể, có hoặc không có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ và tác hại bệnh tật.

Một sản phẩm được gọi là thực phẩm chức năng nếu nó có tác động có lợi tới một hay nhiều chức năng, cấu trúc của cơ quan đích ngoài những tác dụng dinh dưỡng cơ bản theo cách duy trì tình trạng khỏe mạnh của cơ thể hoặc giảm thiểu nguy cơ và tác hại bệnh tật.

Báo cáo từ hiệp hội này cũng cho biết, thị trường Việt Nam đang có sự phát triển rất mạnh về thực phẩm chức năng. Năm 2000, Việt Nam chỉ có 13 cơ sở sản xuất với 63 sản phẩm; đến năm 2010, Việt Nam đã có 1.626 cơ sở sản xuất với 3.721 sản phẩm.

Và đến năm 2013, Việt Nam đã có 3.512 cơ sở sản xuất với 6.851 sản phẩm thực phẩm chức năng. Trong đó, sản phẩm thực phẩm chức năng sản xuất trong nước chỉ là 1.333, còn lại hơn 5.500 sản phẩm là nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo PGS – TS. Trần Đáng, Chủ tịch hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, ở Việt Nam, có thực tế là ai sản xuất thực phẩm chức năng cũng được, các quy định quản lý vẫn còn thiếu.

Sản phẩm lưu hành trên thị trường chỉ dựa vào công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; việc đánh giá tính hiệu quả chủ yếu dựa vào bằng chứng kinh nghiệm thông qua tiếp xúc, từng trải trong áp dụng, mà thiếu những đánh giá về hàm lượng hoạt chất, độ tinh khiết, các mối nguy hại, độc tính gây ra..

PGS – TS. Trần Đáng, Chủ tịch hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam. Ảnh: Đức Dũng/BNews

PGS. TS Trần Đáng cho biết thêm, sản xuất thực phẩm chức năng ở Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ, nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn chưa ban hành được tiêu chuẩn nào về thực phẩm chức năng.

Các văn bản quản lý chưa đầy đủ và còn nhiều khiếm khuyết, quy định chung chung cho cả các loại thực phẩm; yêu cầu điều kiện vệ sinh với các cơ sở sản xuất cũng rất đơn giản, từ nhà xưởng, trang thiết bị dụng cụ đến con người, không cần có trình độ kỹ thuật cao, cũng vẫn có thể sản xuất, chế biến...

Do vậy, cần thiết phải có quy định về điều kiện nguồn nguyên liệu, cơ sở sản xuất, trang thiết bị dụng cụ, về quy trình công nghệ và cơ sở thí nghiệm.

Theo TS Nguyễn Thanh Phong, Cục an toàn thực phẩm – Bộ Y tế, trong số khoảng 10.000 sản phẩm thực phẩm chức năng đang lưu thông trên thị trường hiện nay, nhưng chỉ khoảng 50% trong số này được người tiêu dùng chấp nhận.

Nhiều loại sản phẩm được doanh nghiệp quảng cáo không đúng với chức năng và chất lượng. Trong số những vi phạm về thực phẩm chức năng, thì vi phạm về quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất, với hơn 53% số lượng doanh nghiệp vi phạm.

Trong 6 tháng năm 2015, tổng số tiền phạt về những hành vi sai phạm trong quảng cáo liên quan đến thực phẩm chức năng (TPCN) mà cục xử lý là 1,6 tỉ đồng ở 77 doanh nghiệp vi phạm.

Không chỉ vi phạm về quảng cáo, sản xuất, bán hàng... nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng thời gian qua cũng đã bị các lực lượng chức năng bắt giữ.

Đầu tháng 6/2015, lực lượng chức năng Hà Nội đã thu giữ 20 tấn thực phẩm chức năng giả dưới mác sữa ong chúa, nhau thai cừu, omega-3 và collagen...

Hay vào ngày 24/1, Công an thành phố Hà Nội điều tra, khám phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả, thu giữ trên 10 tấn hàng hóa thực phẩm chức năng giả các loại gồm sữa ong chúa Royal Jelly Costar 1.450mg, nhau thai cừu Placentra Vip, Glucosamin... cùng nhiều máy móc, nguyên liệu dùng để sản xuất hàng giả...

TS Nguyễn Thanh Phong, Cục an toàn thực phẩm – Bộ Y tế. Ảnh: Đức Dũng/BNews

Có thể nhận thấy, lợi nhuận từ việc buôn bán thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, cùng với việc thiếu các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thực phẩm chức năng trong nước, từ khâu nuôi trồng dược thảo đến cơ sở sản xuất, trang thiết bị cũng như các quy định về quản lý, đánh giá nguy cơ, bằng chứng khoa học… đang khiến ngành thực phẩm chức năng phát triển “tự do”, thiếu định hướng và người tiêu dùng không khỏi lo ngại về chất lượng thực sự của các sản phẩm này.

Để quản lý chất lượng thực phẩm chức năng, theo PGS - TS. Trần Đáng, sản phẩm phải được công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo 3P: Cơ sở nhà xưởng, thiết bị máy móc, quy trình công nghệ, nhân viên sản xuất (GMP); Nguyên liệu, cây trông (GAP); nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để đánh giá tính chất lượng, an toàn và hiệu quả (GLP).

Trong đó, PGS – TS Trần Đáng cho hay, áp dụng thực hành sản xuất tốt thực phẩm chức năng (GMP) là một phương pháp sản xuất cần tuân thủ ở từng cung đoạn từ khâu tiếp nhận nguyên liệu đến thành phẩm cuối cùng.

Đồng thời việc áp dụng GMP cũng đáp ứng yêu cầu của tiến trình hòa nhập và đòi hỏi của thị trường WTO, TPP…

Bởi hiện các nước như Canada, Nhật Bản, Úc, Thái Lan, EU… đều quy định áp dụng bắt buộc áp dụng GMP cho sản xuất thực phẩm chức năng và thực phẩm chức năng muốn nhập khẩu phải có chứng nhận GMP.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Phong cũng cho rằng, áp dụng GMP không chỉ đảm bảo cho sản phẩm thực phẩm chức năng được sản xuất an toàn, hiệu quả mà còn là công cụ để sàng lọc, loại bỏ các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng không đủ điều kiện, giảm thiểu hàng giả, hàng lậu.

Đồng thời xây dựng ngành thực phẩm chức năng ở Việt Nam trở thành ngành kinh tế - y tế, phát triển bền vững, lành mạnh vì sức khỏe của người tiêu dùng.

Thông tin từ Cục an toàn thực phẩm – Bộ Y tế cho biết, sau khi xin ý kiến các bộ, ngành, tiêu chuẩn về Thực hành sản xuất tốt thực phẩm chức năng sẽ được áp dụng vào năm 2018, khi đó chỉ những doanh nghiệp có đầu tư bài bản mới tồn tại được trên thị trường.

Tuy nhiên, trong thời gian từ nay đến năm 2018, Cục sẽ tiếp tục phối hợp các ngành chức năng liên quan để tập trung rà soát,  kiểm tra, xử lý mạnh tay các đơn vị vi phạm, công bố để người tiêu dùng được biết./.

Đức Dũng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục