Sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch tại Hải Phòng gặp khó

10:26' - 26/08/2016
BNEWS Khi nào “cung” gặp “cầu” hiện vẫn là câu hỏi chưa có lời giải với người sản xuất, kinh doanh, điều phối về lĩnh vực thực phẩm an toàn tại thành phố Hải Phòng.
Nông sản sạch được bày bán tại một cửa hàng thực phẩm an toàn tại Hải Phòng. Ảnh: Minh Thu/TTXVN

Sử dụng thực phẩm an toàn là nhu cầu lớn của người dân Hải Phòng, nhưng thực tế ở đây cho thấy, một bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp đã tiêu thụ toàn bộ lượng rau an toàn thành phố này sản xuất được.

Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm dịch thú y, gắn bó với hoạt động buôn bán nhỏ lẻ ở chợ hàng chục năm, nhưng khi bắt tay mở cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, chị Lương Thị Hoa, quận Lê Chân, Hải Phòng vẫn thấy vướng như gà mắc tóc.

Toàn bộ mặt hàng tại cửa hàng nhà chị Hoa đều do các đơn vị cung ứng chuyên nghiệp cung cấp, có giấy kiểm định, giấy giao hàng rõ ràng. Tuy nhiên, khách hàng vẫn e dè, không hoàn toàn tin vào giấy tờ chị Hoa đưa ra. Chị Hoa cho biết, khách hàng e dè là bởi họ có suy nghĩ, rau ở siêu thị còn bị trà trộn, nói gì đến cửa hàng nhỏ lẻ.

Những sản phẩm được đóng gói và có ghi đầy đủ thông tin, người tiêu dùng e ngại vì giá thành đắt đỏ. Điển hình, đối với thương hiệu rau Thiên Thảo (thương hiệu rau được đóng gói đạt quy chuẩn tốt nhất hiện nay tại Hải Phòng), 1 kg rau bí có giá 28.000 đồng/kg (trong khi đó, giá bán ở chợ là khoảng 15.000 đồng/kg).

Với việc loay hoay chạy theo nhu cầu của khách hàng, điệp khúc lặp đi lặp lại ở cửa hàng chị là sáng nhập rau, chiều đổ đi.

Trước thực tế này, chị Hoa xoay sang giải pháp không tập trung vào khách lẻ mà đến gõ cửa tại các trường mầm non. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn, các trường đều từ chối nhập rau bởi giá thành quá cao.

Người kinh doanh mặt hàng này gặp khó khăn, nông dân cũng chịu thiệt thòi không kém và vừa làm, vừa lo. Anh Lâm Văn Du, hộ trồng dưa điển hình tại xã, Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo cho biết, dưa bán cho thương lái có giá 12.000 - 18.000 đồng/kg nhưng vào siêu thị giá dưa khoảng 60.000 đồng/kg. Giá dưa tại ruộng không thể bán được cao do bị ép giá và gia đình thiếu kinh phí xây dựng, bảo vệ thương hiệu.

Cách làm của gia đình anh Du và nhiều gia đình khác tại xã Tân Hưng đang thực hiện là tự phát. Hàng hóa cung ứng phập phù nên các siêu thị không thể ký hợp đồng thu mua, bao tiêu nông sản của nông dân. Vòng luẩn quẩn như vậy nên bài toán về sản xuất đủ nông sản an an toàn cung ứng cho chính thị trường Hải Phòng vẫn xa vời.

Theo tìm hiểu, hiện Hải Phòng có nhiều nông sản được đông đảo người tiêu dùng đón nhận như táo Bàng La (Đồ Sơn), vải thiều Bát Trang (An Lão), ổi Vĩnh Bảo, dưa vàng Vĩnh Bảo, rượu Nấm Tiên Lãng… Tuy nhiên, những sản phẩm này bị cạnh tranh khốc liệt với nông sản của Hải Dương và các tỉnh thành phố khác. Trong khi đó, chi phí, công sức của người nông dân bỏ ra để có nông sản sạch lớn hơn nhiều lần.

Táo Bàng La - một trong những nông sản địa phương được người tiêu dùng Hải Phòng ưa chuộng. Ảnh: anhp

Ông Phạm Văn Hà, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng cho biết, chỉ có 5% nông sản của Hải Phòng được gắn thương hiệu trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, ngành nông nghiệp Hải Phòng đề nghị thành phố quan tâm, tạo điều kiện đầu tư ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật tập trung vào các khâu sơ chế, chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản an toàn. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất nông nghiệp công nghệ cao cho các vùng sản xuất tập trung như nhà kính, nhà lưới, nhà vòm.

Trước những kiến nghị của ngành nông nghiệp Hải Phòng, phần lớn hộ kinh doanh, nông dân sản xuất về rau an toàn đều mong muốn những đề nghị trên sớm thành hiện thực. Bởi có như vậy, hộ kinh doanh, nông dân mới có thêm “cây gậy chống” về chính sách giúp những đối tượng này có thêm sức “đề kháng” dấn thân vào lĩnh vực mỗi nhà đều cần này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục