Sản xuất vật liệu nổ công nghiệp đáp ứng đủ nhu cầu trong nước

17:10' - 28/08/2015
BNEWS Cả nước hiện có 8 doanh nghiệp được phép sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ với công suất 130.000 tấn/năm và phụ kiện nổ đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong nước

Ngày 28/8, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ giai đoạn 2009-2015 .

Theo ông Cao Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương, cả nước hiện có 8 doanh nghiệp được phép sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ với các dây chuyền sản xuất vật liệu nố công nghiệp công suất 130.000 tấn/năm và phụ kiện nổ đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng mặt hàng này tại thị trường trong nước và còn có khả năng xuất khẩu.

Trong đó, mức sản xuất so với tiêu thụ lần lượt là 98% đối với thuốc nổ công nghiệp, 95% đối với với kíp nổ các loại, 98% đối với dây nổ các loại và 100% đối với dây cháy chậm, mồi nổ.

Hiện tại chỉ có nhóm sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp phục vụ ngành dầu khí là các doanh nghiệp Việt Nam chưa chủ động sản xuất được.

Hội nghị Tổng kết công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp giai đoạn 2009-2014.

Ảnh: Quang Toàn/TTXVN

Mọi hoạt động vật liệu nổ công nghiệp từ sản xuất, bảo quản, vận chuyển, sử dụng, mua bán, xuất, nhập khẩu, nghiên cứu... đều phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép và phải tuân thủ chặt chẽ quy trình đã chuẩn hóa tại các quy định kỹ thuật.

Tuy nhiên, theo đại diện các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, công tác thanh tra, kiểm tra vật liệu nổ công nghiệp hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với cơ quan chức năng của ngành công thương do kinh phí hạn hẹp.

Đại diện Sở Công Thương Thanh Hóa chia sẻ, biên chế dành cho quản lý vật liệu nổ công nghiệp ở các địa phương rất hạn chế thường chỉ có một đến hai cán bộ chuyên trách, không có ở cấp huyện.

Thêm vào đó, một số Sở Công Thương lực lượng thanh tra, kiểm soát vừa thiếu về lực lượng, phương tiện và thiếu sự phối hợp toàn diện giữa lực lượng kiểm tra xử phạt.... Do vậy, công tác kiểm tra, kiểm soát chưa sâu rộng, nhất là các vùng nông thôn, vùng miền núi.

Về định hướng trong công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp giai đoạn 2015-2020, đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện công tác xây dựng văn bản pháp luật điểu chỉnh trong lĩnh vực này; tập trung sửa đổi bổ sung các quy định kỹ thuật để có cơ sở cho công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp được cụ thể, chính xác, chặt chẽ phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đối với địa phương cần rà soát các quy định quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn, chỉnh sửa, ban hành các quy định đúng pháp luật, có chú ý tới đặc điểm thực tế của địa phương...

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức những người liên quan trực tiếp đến hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.

Quang Toàn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục