Sắp diễn ra lễ hội đường phố kỉ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới thủ đô Hà Nội

17:40' - 20/07/2018
BNEWS Lễ hội đường phố độc đáo, phô diễn những tinh hoa của Hà Nội chủ đề “Tinh hoa Hà Nội – Hội tụ và tỏa sáng” diễn ra ngày 29/7, tại khu vực phố đi bộ của Hà Nội.

Lễ hội diễn ra nhân dịp kỉ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội (2008 – 2018).

Lễ hội quy tụ được những nét văn hóa đặc sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến, những biến chuyển trên đường phát triển. Sự kiện do Trung tâm Bảo tồn & Phát triển nghệ thuật Sân khấu Việt Nam (Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam) thực hiện.

Ngày 20/7, gặp gỡ báo chí thông tin về chương trình, Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Mùi, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn & Phát triển nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, tổng đạo diễn chương trình khẳng định: Lễ hội đường phố là hoạt động văn hóa lớn, có ý nghĩa chính trị quan trọng của Thủ đô. Ước tính sẽ có khoảng 5.000 người tham dự lễ hội gồm cả diễn viên chuyên, không chuyên, nghệ nhân các làng nghề và công chúng thủ đô.

Lễ hội sẽ khai mạc sáng 29/7. Sau đó là các hoạt động diễu hành, trình diễn trên đường phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm, khu vực quảng trường sân khấu tượng đài Lý Thái Tổ, Đền Bà Kiệu, Quảng trường Đông Kinh nghĩa thục, trước cửa Lục thuỷ, ngã tư Bà Triệu – Hàng Khay, ngã tư Hàng Bài – Tràng Tiền...

Có 7 khối chính tham gia diễu hành, trình diễn trên đường phố, gồm: Khối dân gian; làng nghề; người cao tuổi; thể thao nghệ thuật; tuổi trẻ Thủ đô; nghệ thuật đương đại và khối quần chúng nhân dân.

Trong đó, khối dân gian sẽ trình diễn 13 tiết mục nghệ thuật dân gian đặc sắc gồm các màn trống hội; rước trạng vinh quy; múa rồng, lân; múa chạy cờ; múa rối cao; múa hoa; múa nón; múa lụa... Khối thể thao nghệ thuật sẽ phô diễn vẻ đẹp của các môn thể thao: Wushu, Karate, Taekwondo, Erobic, Dance sport…

Khối nghệ thuật đương đại được kỳ vọng sẽ gây ấn tượng mạnh với hoạt động trình diễn thời trang áo dài cổ Hà Nội của các nhà thiết kế có tên tuổi; hoạt động nghệ thuật đường phố; vũ hội Carnaval 10 khối màu sắc của tuổi trẻ Hà thành...

Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh, Phó Tổng đạo diễn chương trình chia sẻ: Nòng cốt của hoạt động lễ hội là các nghệ sĩ chuyên nghiệp; không gian, hiệu ứng mở rộng là nhân dân, cộng đồng. Đặc biệt, không gian tổ chức lễ hội là không gian mở, sống động như một màn hình đa chiều, tạo cơ hội cho công chúng hòa mình vào các hoạt động của lễ hội.

Đây là giải pháp tiết kiệm chi phí nhưng không giới hạn sự cảm xúc. Bên cạnh đó, đường đi của các khối diễu hành rất mạch lạc, giống như sự lan tỏa hào quang từ Hồ Gươm, trái tim của Hà Nội ra cả nước.

Lễ hội cũng góp phần khơi dậy truyền thống đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, nâng cao nhận thức nhân dân trong giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn thành phố. Thông qua đó tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân, du khách; phản ánh rõ nét văn hóa truyền thống đặc sắc của từng địa phương, tạo thêm nhiều mảng màu tươi sáng trong bức tranh tổng quát về văn hoá Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.

Lễ hội cũng tôn vinh giá trị các di sản văn hóa, quảng bá tiềm năng, sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc của Hà Nội, nhằm thu hút khác du lịch trong nước, quốc tế đến với Thủ đô. Bên cạnh những nét truyền thống, lễ hội còn thể hiện được sự phát triển, khẳng định sự nỗ lực, cố gắng và thành tựu quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô trong 10 năm mở rộng địa giới hành chính...

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/ QH12, ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, Hà Nội đã tạo được nhiều dấu ấn trong phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc. Đây là những điểm tựa vững chắc để Hà Nội hướng tới những mục tiêu mới, phát triển Thủ đô tương xứng với tiềm năng, thế mạnh./.

>>>Đảm bảo môi trường du lịch văn minh cho Thủ đô

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục