Sắp xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thông minh tại Tp. Hồ Chí Minh

17:30' - 14/06/2016
BNEWS Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã dẫn đến sự gia tăng lượng người nhập cư, kéo theo nhiều phương tiện xe cá nhân gây nên tình trạng quá tải đối với hệ thống giao thông thành phố
Ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra ở Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Tại hội thảo “Mô hình phát triển Trung tâm điều hành giao thông thông minh” do Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 14/6, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng Trung tâm điều hành giao thông đô thị trong giai đoạn 2016 – 2020 để quản lý, điều hành toàn bộ hệ thống giao thông dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ giao thông thông minh, hiện đại.
Theo ông Lê Văn Khoa, việc xây dựng trung tâm này xuất phát từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã dẫn đến sự gia tăng lượng người nhập cư, kéo theo nhiều phương tiện xe cá nhân gây nên tình trạng quá tải đối với hệ thống giao thông thành phố.

Cùng với đó, việc đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị chưa theo kịp nhu cầu thực tế, khiến tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông ngày càng phức tạp.

Sở Giao thông Vận tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua việc triển khai một số dự án xây dựng hệ thống đèn tín hiệu giao thông, tăng cường năng lực quản lý giao thông chỉ mang tính chất thí điểm, riêng lẻ.

Thành phố hiện có 887 chốt đèn tín hiệu giao thông chủ yếu hoạt động độc lập bằng thủ công, chưa áp dụng giải pháp điều khiển giao thông thông minh (ITS) theo lưu lượng và tình hình giao thông thực tế.

Về mô hình trung tâm ITS, Sở Giao thông Vận tải thành phố đề xuất lộ trình phát triển qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2016 – 2017), cơ bản hình thành Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông tập trung trên cơ sở hệ thống hạ tầng hiện hữu, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện 4 chức năng chính là giám sát giao thông, điều khiển giao thông, cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ xử lý vi phạm an toàn giao thông.

Nhiều dự án giao thông đang được triển khai tại Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh:TTXVN

Giai đoạn 2 (sau năm 2020), hoàn thành Trung tâm điều hành giao thông thông minh với quy mô toàn thành phố. Đây là trái tim của toàn bộ hệ thống giao thông thông minh nhằm quản lý chung, kết nối tất cả các thiết bị ngoại vi, cung cấp dữ liệu, xử lý các sự cố khẩn cấp, phòng chống cháy nổ, ngập lụt…

Góp ý về mô hình trung tâm ITS, ông Lâm Thiếu Quân, Công ty CP Công nghệ Tiên Phong cho rằng, trên thế giới, mô hình trung tâm ITS được sử dụng chung cho 3 hệ thống chính là quản lý và điều hành giao thông, quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, giám sát xử phạt vi phạm giao thông.

Hiện nay ở Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm điều khiển giao thông, Trung tâm quản lý hầm sông Sài Gòn và Trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng đang lạc hậu về công nghệ, không được bảo trì, nâng cấp nên hay mất tín hiệu; hệ thống camera an ninh khác thuộc công an, quận huyện đang được dùng riêng, gây tình trạng lãng phí.

Theo đề xuất của ông Lâm Thiếu Quân, cần đầu tư một trung tâm với cơ sở kỹ thuật dùng chung tại một tòa nhà, kết nối về lãnh đạo thành phố như công an thành phố để chỉ huy các vấn đề khẩn cấp về an ninh quốc phòng, kết nối về Sở Giao thông Vận tải và UBND thành phố để quan sát, chỉ huy khi có các sự cố thiên tai hay tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Theo các chuyên gia của Đại học Giao thông Vận tải, trung tâm ITS cho Tp. Hồ Chí Minh phải thực hiện các chức năng như thu thập thông tin tình hình giao thông trên toàn mạng lưới địa bàn, cung cấp thông tin cho người đi đường, điều khiển đèn tín hiệu giao thông linh hoạt, giám sát và kiểm soát an toàn trật tự giao thông, điều hành hệ thống giao thông công cộng, dự báo tình trạng giao thông, ra các quyết định xử lý…

Về cấu trúc, trung tâm ITS cần đảm bảo các hạng mục như hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, ứng phó giao thông, phát thải, vận tải hàng hóa và đội xe, thi công và bảo dưỡng, vận tải công cộng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục