Sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp - Bài 1: Những điểm "nóng"

09:06' - 24/04/2018
BNEWS Khu vực Tây Nguyên được xem là những “điểm nóng” khi sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp. Bởi những nơi này từ cố hữu đã tồn tại các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp về đất đai.
Năn 2018 sẽ phải hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp (Nghị định 118), đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp được coi là một trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế nên đã được các đơn vị, địa phương triển khai khá tích cực. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo, năm 2018 sẽ phải hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện ở một số đơn vị còn rất chậm. Việc này đang cản trở quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Bài 1: Những điểm "nóng"

Triển khai Nghị định 118, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 41/41 phương án tổng thể của các tỉnh, thành phố, tập đoàn, tổng công ty. Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã tích cực triển khai rà soát, sắp xếp về đất đai. Đây được xem là bước quan trọng nhất để đẩy nhanh việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp.

Là một trong những địa phương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể khá sớm, Kon Tum đã nhanh chóng vào cuộc. Đến nay, việc sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đảm bảo về thời gian và nội dung theo chỉ đạo.

Kon Tum có 7 công ty lâm nghiệp trực thuộc địa phương. Sau khi sắp xếp, đổi mới theo phương án được phê duyệt, các công ty lâm nghiệp đã cơ bản ổn định, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích được giao; giải quyết dứt điểm tình trạng đất cấp trùng, chồng lấn, lấn chiếm của các hộ gia đình, cá nhân tại các công ty lâm nghiệp.

Việc sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp đã phân rõ loại hình doanh nghiệp là đơn vị sản xuất kinh doanh và đơn vị thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích được Nhà nước đặt hàng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng.

Vì vậy, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chủ động hơn trong bảo vệ rừng; sản xuất kinh doanh, liên doanh, liên kết tìm đối tác đầu tư tạo ra chuỗi sản xuất khép kín trong sản xuất kinh doanh từ trồng rừng khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mang lại lợi nhuận cho công ty, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, việc thực hiện sắp xếp, đổi mới đã xác định loại hình hoạt động qua đó đổi mới căn bản về phương thức tổ chức quản lý, quản trị doanh nghiệp; năng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của công ty theo cơ chế thị trường.

Với kết quả đạt được của Kon Tum, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, thực hiện có trách nhiệm, hiệu quả về rà soát, đo đạc đất đai cho các công ty lâm nghiệp và giải quyết các chồng lấn cơ bản quyết liệt và phù hợp. Đến nay, phần lớn diện tích sau khi được rà soát, đo đạc, Kon Tum đã nhanh chóng cấp giấy chứng nhận sử dụng đất.

Việc sắp xếp, đổi mới của các công ty nông, lâm nghiệp, doanh nghiệp nhà nước không chỉ liên quan đến hiệu quả hoạt động, cổ phần hóa, thoái vốn… mà còn liên quan đến sinh kế và đời sống của hàng triệu người dân, tác động đến tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, cả những phức tạp trong quản lý sử dụng đất, tranh chấp đất đai, vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội của các địa phương có các công ty nông, lâm trường.

Các địa phương như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum được xem là những “điểm nóng” khi sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp. Bởi những nơi này từ cố hữu đã tồn tại các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp về đất đai.

Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân trên chủ yếu vẫn là sự chủ quan của địa phương, thiếu vắng sự quyết liệt tổ chức chỉ đạo, sự phối hợp với các đơn vị, nhất là giữa doanh nghiệp và địa phương.

Tỉnh Đắk Nông có 16 công ty nông, lâm nghiệp. Thực hiện việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm so với kế hoạch đề ra. Các khó khăn, vướng mắc chủ yếu về tài chính, đất đai, nhất là trong giải thể và cổ phần hóa.

Thực hiện sắp xếp, đổi mới, 6 doanh nghiệp sẽ duy trì, đổi mới các công ty trách nhiệm một thành viên 100% vốn nhà nước. Đến nay, các đơn vị đã phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới và kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, mới chỉ có 3/6 đơn vị được phê duyệt phương án sử dụng đất.

Về cổ phần hóa, Đắk Nông có 3 doanh nghiệp. Theo kế hoạch, các công ty phải thực hiện hoàn tất cổ phần hóa, chuyển thành công ty cổ phần trong năm 2017. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên các đơn vị đều tiến hành chậm hơn so với kế hoạch và đến nay đều chưa hoàn thành.

Đắk Nông cũng là địa phương thực hiện rà soát, đo đạc, cắm mốc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khá chậm. Địa phương mới hoàn thành việc đo đạc, cắm mốc cho 10 công ty nông, lâm nghiệp sau khi sắp xếp, đổi mới. Trong khi đây là địa phương có diện tích đất đang bị lấn chiếm khá lớn, gần 38.000 ha.

Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai vẫn còn ở một số địa phương. Ảnh minh họa: TTXVN

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 14 công ty nông, lâm nghiệp thuộc địa phương quản lý và 15 công ty thuộc các tổng công ty, tập đoàn. Đến nay, tỉnh vẫn có khoảng trên 10.000 ha đang còn tranh chấp, bị lấn chiếm hoặc cấp trùng.

Ông Nguyễn Nhĩ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai cho biết, hiệu quả sử dụng đất đai của địa phương còn quá thấp, diện tích chưa sử dụng còn nhiều, tình trạng lấn chiếm đất đai giữa hộ dân với công ty nông, lâm nghiệp thường xuyên xảy ra, tình trạng giao khoán vườn cây chậm thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng…

Việc triển khai đo đạc, cắm mốc chậm diễn ra ở các địa phương quản lý nhà nước về đất đai của các cấp chính quyền. Các chủ thể quản lý chưa tương xứng, còn buông lỏng, thiếu quan tâm và chưa kiên quyết xử lý dứt điểm các tình trạng xâm lấn tranh chấp đất đai qua các giai đoạn nên đến nay rất phức tạp và rất khó giải quyết thỏa đáng.

Hay tại Đắk Lắk, tỉnh có hệ thống công ty nông, lâm lớn với 46 công ty; trong đó 25 công ty tỉnh quản lý, 21 thuộc các tập đoàn, tổng công ty quản lý. Đến nay, tỉnh vẫn có trên 21.000 ha đang còn tranh chấp, bị lấn chiếm, hoặc cấp trùng.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, tình trạng xâm xanh, lấn chiếm, sử dụng đất trái phép tuy có giảm nhưng chưa chấm dứt. Trong quá trình xây dựng phương án sử đụng đất, giữa doanh nghiệp và các huyện, thị chưa thống nhất được diện tích giao về địa phương, diện tích doanh nghiệp giữ lại nên làm chậm quá trình phê duyệt phương án sử đụng đất.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, rà soát đất đai là bước cơ bản, quan trọng để đẩy nhanh việc sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp. Do đó, lần này, các địa phương phải giải quyết dứt điểm không để tạo thành điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn. Nếu không nguy cơ về tranh chấp, xung đột, mất an ninh trật tự sẽ vẫn còn.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng yêu cầu, các địa phương phải khẩn trương hoàn thành việc rà soát, đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc rà soát đất đai phải tạo được sự đồng thuận giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

Nếu không sắp xếp, ổn định được diện tích các công ty nông, lâm nghiệp rất khó ổn định, phát triển kinh tế. Do đó, nếu chính quyền cấp huyện, xã không vào cuộc sẽ không bao giờ thành công. Tỉnh phải chỉ đạo, yêu cầu các cấp này vào cuộc quyết liệt.

Với tính chất phức tạp của từng địa phương, từng đơn vị, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh: “Không nhất thiết phải dàn hàng ngang ra làm, đơn vị nào thuận lợi làm trước. Những chỗ có thể đẩy nhanh được thì phải quyết tâm làm nhanh. Nếu vẫn cứ nói chung chung, không có giải pháp quyết liệt sẽ không thể giải quyết được vấn đề”./.

Bài 2: Vai trò của địa phương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục