Saudi Arabia nới lỏng quy định đối với nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài

10:52' - 04/05/2016
BNEWS Cơ quan quản lý chứng khoán Saudi Arabia ngày 3/5 thông báo sẽ nới lỏng quy định đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Saudi Arabia nới lỏng quy định đối với nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài. Ảnh: wsj.com

Động thái này chứng tỏ những nỗ lực của quốc gia này trong việc tự do hóa thị trường tài chính trong khuôn khổ kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế.

Thông cáo báo chí của cơ quan này cho biết, theo quy định mới, các thể chế tài chính quốc tế đang quản lý ít nhất 3,75 tỷ riyal (1 tỷ USD) tài sản từ nay sẽ được phép đầu tư trên thị trường chứng khoán Saudi Arabia.

Từ tháng 6/2015, khi Saudi Arabia mở cửa thị trường chứng khoán cho các nhà đầu tư nước ngoài có tài sản tối thiểu 18,75 tỷ riyal, cơ quan này cũng đã tăng gấp đôi lượng cổ phần mà các nhà đầu tư được phép sở hữu, lên tối đa 10% vốn của một doanh nghiệp niêm yết.

Theo thông cáo trên, thời điểm sự thay đổi này có hiệu lực sẽ được thông báo vào nửa cuối năm 2017. Việc nới lỏng quy định đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhằm ổn định hơn thị trường tài chính Saudi Arabia, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy đầu tư.
Từ lâu nay, Saudi Arabia đã thể hiện mong muốn thực hiện đa dạng hóa nền kinh tế hiện vẫn đang phụ thuộc phần lớn vào dầu mỏ, nhưng giá dầu lao dốc kể từ hai năm qua đã khiến chính phủ nước này phải nỗ lực thúc đẩy quá trình trên.

Hồi cuối tháng Tư vừa qua, Hoàng Thái tử Mohammed ben Salman Al Saoud đã công bố một kế hoạch cải cách kinh tế có tên gọi "Tầm nhìn 2030". Một trong những biện pháp chính trong đó là thành lập quỹ đầu tư lớn nhất thế giới.

Một phần tiền từ quỹ này đến từ việc bán 5% cổ phần của tập đoàn dầu mỏ quốc gia Aramco. Kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) số cổ phần của Aramco dự kiến sẽ thu về 2.000 tỷ USD, gấp bốn lần giá trị của Apple trên thị trường chứng khoán.
Tầm nhìn Kinh tế 2030 cho giai đoạn hậu kỷ nguyên dầu mỏ được công bố trong bối cảnh Saudi Arabia đang nỗ lực giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ thông qua việc thu hút các khoản đầu tư, triển khai các cải cách kinh tế cần thiết và các dự án kinh doanh.

Theo thống kê, dầu mỏ đóng góp hơn 80% ngân sách của các nước thuộc nhóm Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), đặc biệt là Saudi Arabia. Với Tầm nhìn Kinh tế 2030, Saudi Arabia đặt mục tiêu vươn từ vị trí là nền kinh tế lớn thứ 19 thế giới lên Top 15 nền kinh tế lớn nhất hành tinh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục